Thursday 19 August 2010

Tội Tình

- Ba, ba ơi!

Tiếng thằng Phúc thảng thốt gào lên trong giấc chiêm bao. Hai tay nó huơ huơ trong không khí . Nó nhổm người dậy theo tình huống nó thấy trong mơ rồi oà lên khóc nức nở.

Thím Hai đang nấu nồi cháo dưới bếp, dụi vội tàn lửa đang cháy dở rồi cà nhắc chạy vào buồng. Thím ôm thằng Phúc vào lòng rồi nói như khóc:

- Nín đi con, má nè. Con nằm chiêm bao thấy cái gì mà la quá trời quá đất dạ?
Thằng Phúc có vẻ như đang còn sợ, nó không trả lời câu hỏi của má nó mà rúc đầu vào cái áo còn mùi khăng khẳng khói bếp của thím Hai. Nó nằm im re, lâu lâu lại tủi.
Thím Hai vỗ vỗ vào lưng thằng Phúc cho nó bớt sợ rồi nhìn ra ngoài cái cửa sổ có mấy cái song ngang bằng nhánh cây quao. Bên ngoài nắng chang chang, mấy đọt lát vàng quạch chẳng buồn đung đưa theo cái gió bỏng rát. Thiệt tình ông trời chẳng bù cho hôm qua, mưa tầm tả. Con Hồng và thằng Bình chắc giờ đang lui cui bắt còng ở một cánh đồng nào đó, đợi nước nhửng lớn để ra rạch đặt nhá bắt tép, đặt lợp bắt cá bóng dừa.

Hôm qua, mấy mẹ con thím Hai thiếu chút nữa là chết chìm, nguyên chiếc ghe gạo nằm dưới lòng sông. Nghĩ lại thím Hai còn sợ. Phải chi cái chân phải của thím đừng què, phải chi các con của thím đủ lớn, phải chi chồng thím không bỏ thím và tụi nhỏ. Thím thở dài, nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen. Thằng Phúc bị nước mắt của má nó rớt trúng mặt nên ngước lên nhìn thím Hai. Hai má con cùng khóc.

Ba của thằng Phúc đã bỏ mẹ con nó cách đây gần ba năm. Chồng thím là nông dân chính cống, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, còn một người chú ruột như làm ăn xa ở tít tận Bình Phước, vài năm mới về thăm quê cũ và mồ mã ông bà một lần. Tình tính chú Hai hiền lành, ít nói nhưng hơi cộc cằn. Ngoài việc chí thú làm ăn, chú còn có tài vặt là bắt cá bóng dừa rất giỏi. Cũng vì thấy chú tội nghiệp và hiền lành nên má của thím hai mới gả con gái cho chú và bắt chú ở rể. Thời gian đầu gia đình rất đầm ấm, hai vợ chồng chí thú làm ăn rồi sinh ra con Hồng, thằng Bình. Nhưng từ khi sinh ra thằng Phúc, phúc đâu chẳng thấy mà chỉ thấy chú Hai bắt đầu sinh tật trai gái. Người thứ ba chẳng ai xa lạ mà chính là dì Ba – đứa em gái duy nhất của thím Hai, đứa em mà từ thưở nhỏ cùng ngủ chung, chơi chung, bị đòn chung, ..với thím. Những chuyện vui buồn từ khi có chồng thím đều kể cho dì Ba nghe để chị em cùng chia sẻ. Vậy mà .....

Ban đầu hai người còn lén lút. Có lần thằng Bình méc với thím là nó thấy ba nó và dì Ba nằm chung một cái giường. Thím Hai tưởng thằng Bình còn nhỏ nói bậy nên rầy nó. Sau thì hai người gần như công khai qua những lời nói bóng gió trong nhà. Thím Hai quyết định cho vợ chồng con cái ra ở riêng tuốt trong bưng. Nhưng dì Ba và chú Hai xa mặt chớ không thể cách lòng được. Một ngày, thím Hai điếng hồn khi nghe má mình nhắn gọi ra gấp để báo tin dì Ba đã mang bầu, mà cha đứa bé không ai khác là chồng mình. Người đàn ông gây tội lỗi đã cúi đầu chấp nhận trước mặt ba người đàn bà. Dì Ba thì vẻ mặt không có chút gì là xấu hổ, nếu không muốn nói là hơi hãnh diện. Má thím Hai chỉ còn biết kêu trời cho thấu.

Hôm đó thím Hai lội đồng về nhà, không biết mắt mũi để đâu mà người ta nói trên bờ ranh thím không đi, thím lội xuống mấy bụi ô rô, cóc kèn để về nhà. Đến chiều con Hồng không thấy má nó về, nó mới lật đật lội bộ ngược hướng ra nhà ngoại thì gặp má nó đang nằm kẹt trong một gốc đước, chân trái bị què không đi được nữa. Nó phải chạy nhờ hàng xóm kè má nó về rồi dùng củ tỏi lơi đập giập bó vào chân, nhưng vẫn không hết hẳn, thím Hai vẫn phải đi khập khiểng và khi trái gió trở trời thì chân thím lại đau buốt.

Từ hôm đó, chồng thím và dì Ba dọn ra cánh đồng xa nhất, miệt ở trong bưng ở để tránh lời ra tiếng vào. Thằng Sang con của hai người mới hai tuổi đã phải gởi về bà ngoại vì dì Ba lại đang mang bầu đứa thứ hai. Đêm nằm nghe mưa rơi lộp độp trên tàu chuối ngoài hè, nhìn ba đứa con ngủ say mà lòng dạ thím ba đau như xát muối. Chắc kiếp trước thím mắc nợ chồng mình và dì Ba nên kiếp này phải trả. Thím Hai cứ tự an ủi như thế mỗi khi nhớ lại chuyện cũ. Thật là không còn tuổi nhục nào hơn. May mà các con thím ngoan, hoặc là chúng nó chưa tới tuổi ngổ ngược. Thím sợ nhất thằng Bình, sợ cái tính cộc cằn sẽ giống ba nó. Lại lo cho con Hồng, vì luật trời cha làm con phải gánh trả.

Chiều hôm qua, nhà chuẩn bị hết gạo nên bốn má con chèo ghe ra ngã ba sông lớn chà gạo. Mưa tầm tả suốt buổi chiều. Con Hồng và thằng Bình tính kêu má nó ở nhà nhưng thím Hai không chịu, thím sợ tụi nhỏ đi một mình sẽ bị người ta ăn gian lấy mất gạo hoặc chà không sạch mất công về phải sàng gạo nhặt bỏ thóc. Mà để hai đứa con nít 7-8 tuổi đi sông nước như vậy lỡ có bề gì bà con quở chết. Thằng Phúc mới gần 4 tuổi cũng đòi đi cho biết nhà máy chà gạo. Con Hồng lấy mấy cái vải mũ che những bao lúa, thằng Bình thì chặt thêm mấy tàu lá chuối tươi phủ lên, ba mẹ con ì ạch lội bùn nhão đẩy chiếc ghe ra khỏi con mương sau nhà để ra sông lớn, vì lúc đó đang nước sát. Thằng Phúc còn nhỏ ngồi trên mui ghe cổ vũ.

Gặp buổi đông người đi chà gạo nên cả nhà thím Hai phải chờ gần đến tối mới tới lượt, thím là lượt cuối cùng. Bận về mưa càng lớn, nước trên sông cũng chuyển ròng. Gặp chiếc ghe bị lủng xì nước hoài. Có để sẵn đất sét trên ghe, thím Hai trét vào chỗ lủng mấy lần mà vẫn không xong. Con Hồng bơi đằng mũi, thím Hai bơi đằng lái, còn thằng Bình thì hì hục tát nước bằng cái mo nang dừa phơi khô cắt ngang.

Đi tới một khúc sông, con Hồng chỉ tay vào bờ hỏi má nó:
- Nhà ba con gần chỗ này phải hông má?
- Mày hỏi làm chi? – Thằng Bình nạt chị nó, nó lúc nào cũng xưng mày tao với chị.

Nhà của ba thằng Bình và con Hồng phải đi cập theo con rạch nhỏ rồi bơi ghe sâu vào trong nữa mới tới. Chỗ đó là đất riêng của bên chú Hai. Cũng thưa thớt người ở y như chỗ thím Hai và tụi nhỏ đang ở, tối lửa tắt đèn hoặc khi có chuyện muốn nhờ hàng xóm phải lội ruộng hoặc chèo ghe gần nửa tiếng mới tới chỗ có người ở.

Lúc này đã nhá nhem tối, trời vẫn mưa rả rích. Trên sông không con chiếc ghe xuồng nào ngược xuôi. Mấy má con hối nhau bơi nhanh về kẻo không thấy đường. Trên ghe đã hết đất sét để trám chỗ lủng, thím Hai biểu con Hồng qua con rạch này ghé vào lấy thêm đất. Nhưng chưa kịp qua ngã ba thì gặp con nước từ rạch chảy ra hơi mạnh làm chiếc ghe xoay vòng. Thím Hai gào to lên kêu thằng Bình và thằng Phúc nắm chặt vào chiếc ghe, còn thím và con Hồng ra sức bơi mạnh tay cho chiếc ghe mau tới bờ, thoát khỏi con nước xoáy.

Thằng Bình nói với con Hồng:
- Mày xuống coi thằng Phúc, tao bơi cho.
- Mày làm sao mạnh bằng tao? – Con Hồng không chịu – Để tao bơi.

Hai đứa dùng dằng mãi khiến chiếc ghe càng trôi ra xa ngoài sông. Trong khi nước vào chỗ lủng ào ào gần nửa chiếc ghe. Mấy bao gạo, bao cám ướt hết, thấm nước nên sức nặng nó càng nhiều làm áp lực nước vào càng mạnh. Thằng Bình chạy xuống cầm cái mo tác liên tục mà không ăn thua gì.

Thím Hai thét lên trong nước mắt:
- Thằng Bình, con Hồng, mỗi đứa ôm một bao trấu. Ghe gần chìm rồi.

Tuy nói thế, thím Hai cũng không biết làm gì hơn là chạy tới ôm chặt thằng Phúc, mặc cho chiếc ghe đang chìm dần. Trên ghe chỉ có hai bao trấu, con Hồng và thằng Bình mỗi đứa ôm một bao, nếu thím Hai đeo vào nữa thì chắc bao trấu sẽ chìm. Nếu để thằng Phúc ôm chung với con Hồng hay thằng Bình thì nó cũng không bám lâu được.

Chiếc ghe từ từ chìm xuống, thằng Bình và con Hồng ôm bao trấu đang bị nước cuốn trôi ra xa. Hai đứa cố gắng đạp mạnh chân cho bao trấu vào gần bờ nhưng không đẩy nổi sức mạnh của dòng nước. Con Hồng kêu khóc thảm thiết, còn thằng Bình lì đòn nên chỉ bặm chặt môi mà không khóc.

Thím Hai kêu thằng Phúc ôm cổ để thím lội vào bờ, nhưng cái chân thím đau quá không đủ sức đạp nước. Thím đau xót trong lòng vô cùng, vừa lo cho thằng Bình, con Hồng, vừa biết mình đang cận kề cái chết. Thằng Phúc bắt đầu sặc nước, khóc ầm lên.

Đúng lúc đó từ trong con rạch, một chiếc ghe lớn hơn chiếc ghe của thím Hai theo dòng nước trôi phăng phăng ra, ngay hướng thím đang chới với. Trên ghe không có ai. Thím Hai cố hết sức còn lại rướn người lên, với tay bắt được mạn chiếc ghe. Bằng chút sức lực còn lại thím đưa được thằng Phúc nằm trên ghe rồi nhoài người leo lên.

Thím lấy cây dầm để sẵn trên chiếc ghe bơi nhanh về hướng hai bao trấu. Thím vớt được con Hồng. Nhìn bao trấu của thằng Bình thì không thấy nó đâu. Thím tái mặt, hốt hoảng kêu nó, con Hồng và thằng Phúc cũng hét to gọi thằng Bình. Ngay lúc thím Hai định nhảy xuống sông với hy vọng nắm được tay hay chân của thằng Bình thì nghe tiếng kêu ở trên bờ sông. Thím Hai mừng chảy nước mắt vì đó là tiếng kêu của thằng Bình. Thì ra lúc nãy nó kêu con Hồng bỏ bao trấu ra để tự bơi vào bờ mà con Hồng không nghe vì mắc la khóc, nên nó tự buông bao trấu ra để lặn vô bờ. Trong đầu nó tính nếu ôm bao trấu thì chỉ nổi trên mặt nước mà không thể nào vào bờ được vì bao trấu thấm nước nặng quá.

Chừng bốn má con đã lên hết trên ghe thì thằng Bình mới hỏi:
- Chiếc ghe của ai dạ má?
- Má hổng biết – Thím Hai vừa thở hổn hển vừa trả lời – Tự dưng má thấy nó từ trong rạch trôi ra, chắc của ai cột không kỹ nên nó tuột dây. Mình mượn đỡ sáng mai đem trả cho người ta.
- Biết của ai mà trả má?
- Má cũng không biết.
- Trong con rạch chảy ra có khi nào của ba hông má? – Giọng con Hồng.
- Của ba đâu mà của ba – Thằng Bình lại nạt chị nó – Bộ trong con rạch này chỉ có mình nhà ổng hả? – Nó quay sang thím Hai - Chiếc ghe của mình chìm rồi sao vớt lên được má?
- Chắc nó trôi mất rồi, không còn nằm ở chỗ này đâu.

****

Có tiếng ý ới ngoài sân cắt ngang suy nghĩ của thím Hai, hình như giọng thằng Bình và con Hồng về. Thím Hai có dặn tụi nó khi nước lớn nửa con rạch thì về nhà, con Hồng coi chừng em để Thím và thằng Bình đi trả ghe. Nhưng không hiểu sao tụi nó lại về sớm.

Thím Hai bỏ thằng Phúc ra và bước ra sân hỏi lớn:
- Sao tụi con về sớm vậy, đặt lợp không có cá hả?
- Hông má ơi – Thằng Bình mặt mũi lấm lem bùn đất, tay xách thùng còng nặng trịch, nó lúc nào cũng nhanh nhẩu hơn con Hồng – Ngoại nhắn má con mình ra ngoại gấp.
- Có chuyện gì dạ con?
- Tụi con hông biết – Giọng con Hồng, nó gác cái nhá lên hàng rào trước nhà – Tụi con đang định đi đặt lợp thì bác Năm từ ngoài ngoại đi ghe ngang nhắn vậy đó, nói là có chuyện gấp lắm.

Thím Hai hối tụi nhỏ ăn cơm rồi bốn má con vội vả đi bộ ra nhà ngoại. Má thím Hai đón thím ở ngay cửa, có vẻ sốt ruột lắm. Thím Hai điếng người nghe nghe bà ngoại báo tin:
- Con Ba nó chết rồi.

Má thím Hai nấc lên từng tiếng, còn thím Hai thì đứng không vững nữa, té ầm vào tấm vách lá. Dù giận dì Ba nhưng dù sao nó cũng từng là đứa em bé bỏng của thím.

Trong cơn hoảng loạn đó, thím Hai nghe má thím kể tiếng được tiếng mất:

- Chiều hôm qua trước khi thằng Hai đi đặt lợp về, nó có uống chút rượu với đám bạn. Về tới nhà hổng biết nó buộc chiếc ghe kiểu gì mà chừng nước rút chiếc ghe trôi mất tiêu. Tới tối con Ba đau bụng đẻ, nó tính lấy ghe chở vợ nó đi lên xã thì đâu có cái giống gì mà chở đi. Nó tức tốc chạy bộ đi mượn ghe, nhưng chổ hẻo lánh xa xôi biết kiếm ai? Nó có chạy xuống nhà mày thì mấy má con mày không có ở nhà. Chừng nó vô tới trong này mượn được ghe chở con Ba lên xã thì đâu còn kịp. Gặp trời mưa nó cảm lạnh, dầm cả tiếng đồng hồ mà, chỉ cứu được đứa nhỏ thôi hà.

Bà dừng lại khóc hù hụ:

- Thằng Hai nó báo cái nhà này mà. Cái tội của nó biết làm gì cho hết nè trời? Phải chi con Ba nghe lời tao, trước khi đẻ một tháng vào ở trong này tao lo như thằng Sang lần trước thì đâu tới nổi.
- Em bé đâu rồi ngoại? – Con Hồng tỉnh bơ hỏi.
- Con nhỏ để lại Trạm vài bữa cho mạnh giỏi mới đem về được. Còn ba mày với hàng xóm đang lo thủ tục trên Trạm xã để đưa dì Ba mày về. Coi má mày đỡ chưa kìa, mặt mày xanh lét hết rồi.

Thím Hai được ai đó dìu lên giường. Trong cơn lơ mơ, thím thấy chồng thím đay nghiến thím tại sao lấy chiếc ghe đi mất cho dì Ba chết. Chồng thím ít nói, nhưng nói câu nào câu nấy xuyên trong óc người khác. Thím cố gắng giải thích cho chồng hiểu nhưng chồng thím cứ nhìn trừng trừng vào thím, huơ chân múa tay. Thím khóc nhưng không thành tiếng, miệng cứ rên hừ hự. Thím thấy tội nghiệp cho hai đứa nhỏ con của dì Ba, má thím còn sống được bao lâu mà lo cho tụi nó?

Có ai đó đang xoa dầu cho thím, hình như thằng Bình. Thím mở mắt ra nhìn xung quanh, hơi tỉnh táo và nhận ra mình đang ở đâu. Thím thấy thằng Sang đứng kế bên thằng Bình. Hai đứa nó giống nhau như đúc. Thím đưa cánh tay yếu ớt kéo nó lại gần, thều thào nói theo suy nghĩ ban nãy:

- Về ở với dì nghe con.
Thằng Sang không hiểu dì Hai nó đang nói gì, nó có cảm giác sợ vì nãy giờ chứng kiến cảnh dì Hai bị xỉu. Nó lấy bàn tay nhỏ xíu gỡ tay dì nó ra, hốt hoảng chạy biến vào buồng. Nó lấy miếng vải của cửa buồng che kín người, chỉ ló mỗi cái mặt, ngơ ngác nhìn ra cửa.

Nguyễn Văn Tâm A
Sài gòn, 2010

Vạc Sành

Đã mấy đêm nay, không đêm nào Thắm chợp mắt được vì một tin nhắn lạ từ Yahoo Messenger. Công việc của Thắm đã quá quen với những tin nhắn, không có gì đặc biệt nếu đây không phải là tin nhắn từ nick của chồng cô – Nam – một người đã mất.

“Em có khoẻ không?”

Câu hỏi ấy cứ ám ảnh mãi trong đầu Thắm. Lần đầu Thắm hơi ngạc nhiên, sau đó là sợ hãi. Mỗi tối khi bật Yahoo lên để làm việc với đối tác nước ngoài, thì tin nhắn đã hiện diện từ khi nào. Khi Thắm hỏi lại “Ai vậy?” thì bên kia im lặng không trả lời. Tối hôm sau lại cũng câu ấy lặp lại, sự việc kéo dài mấy đêm liền.

Từ ngày Nam đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Thắm đón thằng em trai út dưới quê lên sống cùng trong căn hộ mà hai vợ chồng Thắm ky cóp mua được ở khu Trung Sơn. Nam ra đi quá nhanh khi còn chưa nhìn thấy mặt đứa con trai vừa tượng hình trong bụng vợ. Trong bệnh viện, Nam nằm mê man 3 ngày liền vì chấn thương quá nặng ở vùng đầu và ngực. Sang ngày thứ tư Nam chợt gượng dậy và ứa nước mắt khóc. Nhưng đó chỉ là sự hồi sinh lần cuối của ngọn đèn dầu sắp tắt, ngay chiều hôm đó Nam đã ra đi vĩnh viễn.

Mới đây mà đã hơn một năm trôi qua, cu Bin cũng sắp thôi nôi. Thắm nghỉ hẳn công việc ở cơ quan từ khi sinh em bé để về làm việc tại nhà. Vốn có trình độ ngoại ngữ khá, tốt nghiệp chuyên ngành ngoại thương, nên Thắm chọn công việc làm trung gian liên lạc giữa các Công ty trong nước và nước ngoài trong các giao dịch xuất nhập khẩu. Thời gian làm việc của Thắm chủ yếu vào ban đêm, vì lúc ấy bên đối tác đang là ban ngày.

Đêm đã khuya, cu Bin đã ngủ say với đứa em trai của Thắm. Sau khi trao đổi xong công việc với đối tác, Thắm ra ban công thư giãn để chuẩn bị làm việc tiếp. Hương Hoàng Lan dưới sân nhà thoang thoảng, tiếng con vạc sành vang lên từng hồi, nghe rất gần.

Thắm chợt nhớ đến câu chuyện về sự tích con Vạc Sành đã đọc ở đâu đó. Chuyện kể xoay quanh mối quan hệ giữa 3 người, người chồng đi chiến trận bị thương với gương mặt bị biến dạng. Người vợ chờ đợi mỏi mòn và nghĩ rằng chồng đã chết nên đi thêm bước nữa. Người chồng sau bao năm về tìm vợ, thấy vợ đang sống hạnh phúc và vì gương mặt mình quá xấu xí nên không dám lộ diện, chỉ dám đứng lén nhìn vợ mình bên hiên hàng đêm. Khi xúc động anh ôm mặt khóc, do không còn khả năng nói được nên khi thổn thức, cổ họng anh chỉ phát ra những âm thanh khèn khẹt. Một hôm người chồng mới chợt nhìn thấy một bóng đen phía bên hiên, nghĩ là thú rừng về quấy phá nên lấy súng ra bắn vào cái bóng ấy. Người vợ sau đó đã nhận ra cái bóng đen đó là chồng cũ của mình, anh chết đi hoá thành con Vạc sành, đêm đêm cất lên những tiếng thổn thức não lòng.

Thắm nhớ về hình ảnh của Nam. Anh là một người chồng mẫu mực hết lòng thương yêu vợ, hoà đồng với các mối quan hệ xã hội nên được mọi người quý mến. Nam mất đi là một tổn thất rất lớn về tinh thần cho Thắm mà không gì có thể bù đắp được. Gia đình bên Thắm cũng cảm nhận mình cũng đã mất đi một đứa con trai chứ không phải là con rễ. Những ngày đầu khi Nam mất, Thắm tưởng không gượng dậy nổi, nhưng mọi người khuyên Thắm hãy vì đứa con trong bụng mà dằn lòng, nếu không sẽ không tốt cho sức khoẻ cả hai. Theo quan niệm của Phật giáo, khóc hay quyến luyến nhiều quá cũng làm người ra đi sẽ khó siêu thoát.

Ngày Nam và Thắm quen nhau, có một người thứ ba cũng đang âm thầm theo dõi mối quan hệ này. Đó là Phú, bạn rất thân của Nam và Thắm. Phú bản tính hiền lành, nhút nhát nhưng rất chân thành và hay giúp đỡ mọi người. Cũng vì quá nhút nhát mà Phú đã bỏ lỡ cơ hội ngỏ lời với Thắm. Thắm cũng vậy, cô hiểu rõ con tim của mình đang thuộc về ai nhưng là con gái thì không thể nào mở lời nói trước được. Thời gian cứ vậy trôi đi đến khi Nam đã ngỏ lời, với sự vun vén của hai gia đình và bạn bè, trong đó có Phú, Thắm đành nhận lời về với Nam mà trong lòng vẫn còn chút gì giận trách Phú.

Khi về với Nam, Thắm cũng đã dần quên mối tình thầm lặng xưa, cô làm tròn bổ phận làm vợ, làm dâu với bên chồng. Nhưng những khi giận Nam, thỉnh thoảng Thắm cũng hay nghĩ về chuyện xưa.

Bỗng một cơn gió mạnh làm đánh rầm cánh cửa sổ, con vạc sành bị gió hất văng vào phòng Thắm. Thắm sợ hãi chạy vào đóng sầm cửa lại, để mặc cho con Vạc sành nằm bất động trên nền gạch, đầu nó bị móp một bên và một chân sau đã bị gãy.

Khi Thắm ngồi vào bàn làm việc thì con Vạc sành chợt tung cánh bay lên đậu vào tập hồ sơ trên bàn. Miệng nó cử động nhưng không hề phát ra được tiếng kêu. Lúc đấy màn hình chiếc laptop của Thắm đã hiện ra dòng tin nhắn quen thuộc từ khi nào.

- Em có khoẻ không?
- Anh là ai?
- Anh rất nhớ em và con.
- Anh là ai, tôi sẽ báo công an đấy!?
- ...
- Anh là ai mà sử dụng nick của chồng tôi?
- Anh lạnh lắm, làm sao để anh được gần em và con?

Trời đang lạnh mà Thắm toát cả mồ hôi, không lẻ Nam lại nhắn tin từ cõi chết. Là người thực tế nên Thắm không tin lắm vào những chuyện tâm linh, nhưng ngoài Nam ra thì có ai biết được mật khẩu của Nam để vào yahoo chat?
- Anh đang ở đâu vậy?
- Anh rất nhớ em và con.
Vẫn những câu nói quanh quẩn không đâu vào đâu.
Thắm sang phòng ngủ gọi thằng em dậy, mấy hôm nay Thắm không dám nói cho nó nghe vì sợ nó hoang mang rồi bỏ về quê. Nhưng đến nước này thì cô không thể chịu đựng nổi nữa.

Thành đang ngủ ngon thì bị kêu dậy nên mắt nhắm mắt mở, lớn tiếng cằn nhằn chị. Nhưng khi qua phòng nhìn thấy tin nhắn của Nam thì nó tròn mắt tỉnh hẳn. Trên màn hình là bức di ảnh của Nam ở khung Avatar, còn những tin nhắn thì da diết đến não lòng.

Nó sợ quá la lên:
- Ma chị hai ơi!
Thắm trấn an nó:
- Em đừng la lớn, chị thấy tin này cả tuần nay mà không dám nói cho em nghe.
- Em sợ ma lắm.
- Nếu thật sự là anh Hai thì anh sẽ không nhát chị em mình đâu.
- Em không biết, mai em về quê liền.
- Em về chị ở với ai?
- Em không biết.
Tưởng kêu Thành qua nó sẽ nghĩ cách giúp mình, nhưng bây giờ lại bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, Thắm biết là mình phải làm cho ra lẻ. Nếu là Nam thật thì Thắm còn liệu đường mà tính, còn nếu ai đó chọc phá thì khi phát hiện ra Thành nó sẽ hết sợ mà không về quê.
- Chị nghĩ không phải là Anh Hai, ai đó đang phá mình đó, em ngồi đây để chị nói chuyện.
- Chị xuống đốt nhang cho Anh Hai để Anh không chọc mình nữa.
- Em bình tĩnh, để chị tìm ra manh mối.
Thắm gõ vào bàn phím:
- Anh không phải là Anh Nam.
- Sao em biết?
- Vậy chính xác Anh không phải là anh Nam.
- .....
- Anh nghĩ tôi không biết những trò trên mạng sao, thiếu gì cách để Anh lấy password của anh ấy.
- .....
- Anh thật là vô tình, sao anh lại đi chọc phá làm tổn thương người khác, Anh có biết tôi mất ăn mất ngủ mấy hôm nay không?
- Anh xin lỗi, anh không muốn làm em và con sợ, anh không còn cách nào khác.
- Ai là con của anh? Anh là đàn ông mà không có bản lĩnh, đi chọc phá một gia đình mẹ goá con côi như chúng tôi.
- Anh xin lỗi, ngàn lần xin lỗi.
- Vậy anh là ai?
- Em có tha lỗi thì anh mới có thể nói.
- Anh là đàn ông, phải tự chịu trách nhiệm về những gì anh làm.
- .................
Một khoảng lặng khá lâu, thằng Thành đứng kế bên giục:
- Chị Hai nhường anh Hai đi. Căng quá ảnh trốn luôn thì mình cũng không biết thực tế là ai.
Thắm mắng Thành:
- Anh Hai cái đầu của em.
Rồi cô gõ tiếp:
- Anh nói đi. Tôi sẽ bỏ qua hết.
Một thoáng ngập ngừng viết rồi xoá, xoá rồi viết, lát lâu màn hình hiện lên:
- Em check mail đi.
Thắm vội vàng check mail, người gởi cũng từ địa chỉ của Nam, file kèm theo là một file âm thanh. Thắm vội mở và bật loa lên.

Bắt đầu là những tiếng còi xe cứu thương xa xa, một giọng nói yếu ớt vang lên, là giọng của Nam, nghe tiếng được tiếng mất:
“Mình biết là mình ... không thể qua khỏi, nhờ Phú giúp ......mình chăm sóc vợ con, mình biết Phú nhút nhát, hãy tìm mọi cách nói chuyện với Thắm để ......cô ấy bằng lòng. Đừng cố giấu tình cảm của mình, Nam hiểu Phú và vợ mình ... mà, Phú không lấy vợ là vì Phú.... không còn yêu ai khác ...đúng không?”.

“Nam không sao mà, cố gắng lên Nam!”.

Nghe xong Thắm ôm mặt khóc nức nở vì những câu nói cuối cùng của chồng. Đôi khi gây nhau với Nam thì Thắm cũng có những suy nghĩ hơi xa về Phú. Thắm không ngờ chồng mình biết nhưng vẫn không nói gì. Cô chợt cảm thấy mình vô cùng có lỗi.

Thằng Thành cũng khóc nức nở, khi xưa nó rất quý Anh Hai của nó, nó xem Nam như Anh ruột của mình.

Khi Thắm ngước lên thì Phú đã nhắn tin qua:
- Em biết Anh là ai rồi phải không? Chính Nam bắt Anh thu âm để có chứng cứ nói cho em tin, trong lúc tụi Anh chờ xe cấp cứu tới. Nam còn đưa Anh password của tài khoản yahoo của Nam.
- Cảm ơn Anh đã cho em nghe những lời nói cuối cùng của Nam.
- Anh biết là một sớm một chiều em không chấp nhận anh, nhất là khi Nam mất mới hơn một năm, nhưng anh mong em hãy nghĩ về tương lai của cu Bin. Nó cần có cha mà Anh hứa sẽ là một người cha tốt của nó.
- Cảm ơn Anh, chúng ta sẽ nói chuyện sau nhé.
- Cảm ơn em, Anh vẫn chờ từng phút từng giờ. Chào em. Chúc em ngủ ngon.

Thằng Thành vẫn còn đứng bên cạnh Thắm theo dõi và còn khóc, nhưng nó chợt la toáng lên:
- Chị Hai, có con vạc sành chết trên bàn chị kìa.
Thắm nhìn lại chỗ con vạc sành đậu khi nãy, có lẻ nó đã bị thương quá nặng, hành động bay lên bàn làm việc của Thắm đã là một cố gắng phi thường và cũng là giây phút hồi sinh cuối cùng của nó. Thắm chợt liên tưởng đến hình ảnh của Nam và nước mắt cô lại tuôn ra.

Cô nhẹ nhàng mang xác con vạc sành đặt vào chậu kiểng của Nam trồng ngoài ban công. Xa xa phía chân trời ánh bình minh cũng sắp ló dạng. Bất chợt Thắm nhìn xuống con phố sáng đèn phủ đầy sương phía dưới. Từng hàng cây ngân hạnh thẳng tắp lát đát vài chiếc lá rơi. Một người thanh niên đang lầm lũi bước đi trong giá lạnh.

Nguyễn Văn Tâm A
Sài gòn, 2010

Tuesday 9 January 2007

Mai vàng nở sớm






Bà Sáu không biết WTO, toàn cầu hoá, ….. là gì và chúng tác động đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như thế nào
Nhưng bà biết rằng
những tình cảm mà các con dành cho bà hiện nay
không bằng những tình cảm mà chúng đã dành cho bà như những ngày trước.
-----------

Bà Sáu chậm rãi xách từng thùng nước có gắn vòi hoa sen để tưới cho những luống hoa vạn thọ đón Tết mà bà trồng hai bên lối đi dẫn vào nhà. Mỗi lần bà chỉ dám múc lưng thùng nước, xách nặng thì thằng Ut nếu biết nó sẽ cằn nhằn suốt cả ngày như những bận trước. Hôm nay là Rằm tháng chạp, con nước sớm lên cũng mấp mé bờ ao nên bà đỡ nhọc hơn những buổi trước. Mới sáng nhìn chưa tỏ mặt người mà từng cơn gió chướng đã lồng lộng thổi, cái lạnh của hơi sương buổi sớm làm da tay bà khô khốc, buông buốt khi chạm nước.

Công việc trồng hoa, tưới nước và chăm sóc chúng hàng năm là của thằng Ut, từ khi nó lên thành phố học Đại học thì chuyển sang cho ông Sáu. Nhưng ông Sáu đã bỏ bà cách đây mấy tháng để theo ông bà sau một cơn bịnh suyễn. Năm nay bà Sáu phải tự tay trồng những luống hoa vạn thọ, màu gà và cúc. Chủ yếu để con cháu về quê có không khí ba ngày Tết chứ năm nay gia đình bà chắc cũng không cảm thấy vui vẻ gì. Những hạt giống lựa từ những bông hoa nở đều và đẹp của năm trước ông Sáu phơi khô và buộc chúng lại cẩn thận treo trên gian nhà bếp, để dành cho năm sau. Nhưng ông đã về với đất trước chúng. Những hạt giống này sau khi gieo xuống đất sẽ mọc thành cây, nở hoa, khoe hương sắc, … chúng đem cho người ta niềm vui và hi vọng một năm mới An khang Thịnh vượng. Còn khi ông Sáu nằm xuống thì để lại cho gia đình một nỗi buồn riêng tư mà bà Sáu không biết chia sẻ cùng ai.


Ông bà Sáu có ba đứa con. Cả ba hiện nay đều đang sống ở Sài Gòn. Thằng thứ hai tên Thành có vợ ở đó, con gái thứ ba tên Mai thì chồng ở Vĩnh Long nhưng cũng lập nghiệp ở Sài Gòn, còn thằng Ut Nhật– sinh sau chị Ba nó gần 9 năm - đang học Đại học Kinh tế năm thứ hai. Tuy có ba đứa con nhưng cuối cùng hai ông bà vẫn như chưa có đứa nào kể từ khi thằng Ut cũng nối gót theo anh chị nó lên Sài Gòn đi học. Ba đứa con của ông bà rất ngoan hiền và học giỏi, cả ba đều đỗ đại học ngay năm đầu. Hàng xóm ai cũng khen ông bà có phước.


Ông Sáu phát hiện mình bị bệnh hen xuyển từ khi bà Sáu sinh ra thằng Ut. Bệnh tình của ông càng trầm trọng khi tuổi tác mỗi ngày càng lớn. Đã hai lần ông tím tái cả người vì nghẹt thở nhưng may mắn là được cứu sống vì được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện kịp thời. Tụi nó dặn dò kỹ lưỡng là ba má không cần phải làm gì cả mà phải chăm sóc lẫn nhau, má còn khoẻ hơn ba thì để ý sức khoẻ của ba nhiều hơn. Ngoài mấy liếp dừa tới tháng nhờ người tới mua bẻ trái khô dùm, ông bà còn hai vườn nhãn đang tuổi ra trái, có thiếu hụt trong chi tiêu thì tụi nó sẽ gởi tiền về. Nếu hai ông bà không nghe thì tụi nó sẽ giận và không thèm về thăm nhà nữa.


Ông bà biết tụi nó thương ông bà mà nói thế, chứ tụi nó xa cha mẹ thì cũng nhớ vậy. Thằng Ut tối cái hôm xa nhà lần đầu tiên cứ khóc thút thít với chị nó, nằng nặc đòi về. Còn thằng Hai và con Ba thì cũng không khá hơn, những ngày mới lên Sài gòn trọ học, tụi nó bảo buổi tối không thể nào chợp mắt được vì nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ từng cái ổ gà, cái mô đất hoặc vũng sình trên đường đi từ con lộ lớn dẫn vào nhà. Ông bà đọc thư tụi nó gởi về mà nghe đứt cả ruột gan.


Tâm lý người nông dân suốt ngày “ở không” sẽ không chịu nổi. Thời gian đầu hai ông bà cố gắng nghe lời tụi nhỏ, không làm gì cả. Nhưng riết rồi thấy con người mình hình như sống thừa thải, tay chân cứ vụng về. Nên bà cho xây lại chuồng trại nuôi heo, còn ông thì tìm giống cây cacao trồng xen vào mấy chỗ trống trong vườn dừa. Thời gian còn lại ông chăm mấy chậu kiểng, trồng rau và làm những chuyện lặt vặt khác.


Mấy lần thằng Ut về thăm nhà, khi trở lên nó mách lại với anh chị nó. Thằng Hai và con Ba gọi điện về trách bà Sáu rất nhiều và nói một ngày nào đó sẽ về “xử lý” đàn heo và mấy cây cacao của ông bà. Hai đứa tụi nó đã có em bé nên thời gian gần đây cũng ít về thăm nhà như lúc trước, phần vì công việc lu bu – như lời tụi nó nói – phần vì nếu muốn về thì phải mang em bé theo. Dù rất thương con và nhớ cháu nhưng hai ông bà cũng tự an ủi là phải thông cảm cho con vì mỗi lần đi xa về thì mấy đứa nhỏ lại bị bệnh. Nên nếu có nhớ tụi nó thì ông bà gọi điện thoại, hoặc thay phiên nhau khăn gói lên thăm. Thằng Ut thì thời gian có thoáng hơn anh chị nó nên lâu lâu lại chạy xe máy về vào tối thứ Bảy, chiều Chủ nhật lại lên, mang theo vài trái bưởi, trái mít hoặc mấy trái bầu xanh ông Sáu trồng trên giàn ngoài sàn nước.


Nhờ bỏ uống rượu, hút thuốc mấy năm nay và uống thuốc đều đặn nên sức khoẻ ông Sáu đã tạm ổn định, tuy cũng vài lần phải nhập viện. Bệnh của ông như giả đò, lúc bình thường thì khoẻ khoắn, nhưng khi lên cơn thì như sắp chết đến nơi. Một tháng ông phải một lần đến bệnh viện và nằm lại một hai hôm nếu cần để kiểm tra sức khoẻ.


Hôm đó ông đang ở ngoài vườn để vun gốc cho mấy cây cacao thì trời bất thần đổ một cơn mưa rào giữa lúc đang nắng, bệnh của ông kỵ nước lạnh cho nên ông rất cẩn thận đề phòng. Nhưng khi ông chạy tới gian bếp sau nhà thì cả người đã ướt mèm. Bà Sáu lật đật bỏ tay đang trộn rau dỡ cho mấy con heo để lấy dầu thoa cho ông và đun nước cho ông lau mình. Đến tối, thấy trong người không được khoẻ nên ông gọi bà dậy để kêu xe ôm chở ông đi bệnh viện.


Tại bệnh viện, sau hai lần phun thuốc trực tiếp qua đường hô hấp, ông đã thấy tỉnh hẳn, định sáng mai rủ bà trứơc khi về nhà sẽ ghé chợ mua cho thằng Ut thêm mấy cái quần kaki để nó mặc đi học, lần trước nó về ông thấy cái quần nó đang mặc bạc hết hai bên mông. Đến khuya, ông lại thấy khó thở, bà Sáu hốt hoảng đi xin thêm một ống thuốc về phun cho ông. Lúc bà Sáu đang chụp ống phun thuốc vào mặt thì ông chợt vung tay lên gạt cái ống ra, la to:


- Chắc chết rồi, khó thở quá.


Bà Sáu khuyên ông:
- Ông ráng lên, lấy ra sẽ không thở được.


Nhưng lúc đó thì bà thấy ông đã tím tái và ngưng thở. Bà hốt hoảng hét lên gọi bác sĩ trực đến. Các Bác sĩ và y tá chạy đến và cố tìm mọi cách giúp ông thở lại và sau đó chuyển đi bệnh viện tỉnh nhưng không kịp.



Sau đám tang của ông Sáu, ngày tụi nhỏ trở lên Sài Gòn, bà Sáu lại khóc. Dù thằng Hai và con Ba không nói ra nhưng bà Sáu nhận thấy trong ánh mắt của những đứa con có vẻ trách móc bà rất nhiều. Căn nhà vốn vắng vẻ nay lại trống huơ trống hoác, gió lùa vào từng cơn. Bà bán đi bầy heo khi mà giá đã rớt xuống thê thảm vì đợt có dịch lỡ mồm long móng gia súc. Những đứa con của bà lại quay về với cuộc sống bận rộn quen thuộc, còn bà thì hằng ngày cứ lặng lẽ hết đi ra rồi đi vào trong sự thương chồng, nhớ con trông cháu.

Cuộc sống tụi nhỏ hình như ngày càng quá bận rộn đến nỗi tụi nó ít gọi điện về cho bà như lúc ông Sáu còn sống. Khi bà nhớ cháu thì gọi lên hỏi thăm, tụi nó cũng thăm hỏi bà qua loa rồi cúp máy. Thằng Ut kỳ rồi về đòi ra ở riêng, không chịu ở chung với chị Ba nữa. Nó nói với bà là dạo này anh chị Ba hay cãi nhau vì lý do không đủ tiền bạc trang trãi, nên nó không muốn làm khó cho anh chị nữa. Nó nói nó đã tìm được việc làm thêm bên ngoài nên có thể tự lo cho bản thân được.
Nhìn ánh mắt còn chút ngây thơ trong khuôn người vạm vỡ mới lớn của thằng Ut, bà thấy nó thật tội nghiệp. Bà muốn gọi điện lên cho con Ba nhưng không biết phải nên nói thế nào. Thằng Út còn hí hửng khoe đợt rồi ông Bush – nhân chuyến qua Việt Nam tham dự Apec gì gì đó – có tới ăn ở cái quán mà nó đi làm bán thời gian buổi tối nên nó có dịp nhìn thấy mặt ông ấy. Nó mơ ước nó cũng sẽ giỏi như ông. Nó bảo vì mới đi làm thêm nên nó xin tiền bà để sắm cái di động và từ đây đến Tết chắc nó ít về thăm nhà. Bà khuyên nó không nên ra ngoài ở vì bà sợ nó dễ hư hỏng, hay là qua ở với anh Hai. Nhưng nó bảo bên anh Hai còn có em của chị Hai ở chung nên rất chật chội, nếu có ráng thì chắc cũng qua Tết nó sẽ dọn ra ngoài. Bà Sáu chỉ thở dài mà không biết phải làm sao.


Hôm nay đã là 15 tháng chạp âm lịch. Là ngày phải lải lá mai để nó kịp trổ bông đúng ba ngày Tết. Tết năm rồi thằng Ut được nghỉ sớm sau kỳ thi nên ngày này năm trước nó đã về rồi. Nó cùng ông Sáu bắt ghế ra sân lải lá mai, hai cha con vừa làm vừa nói chuyện huyên thuyên. Hàng mai này, ngoài cây mai cổ thụ của ông Sáu trồng khi còn trẻ, thì những cây còn lại là của thằng Ut trồng lúc nó học lớp 7 lớp 8 gì đó. Không biết nó đọc sách hay nghe kể lại ở đâu mà thấy cái cảnh một anh hùng nào đó lạc trong vườn mai có cánh rơi lả chả, gặp được một nàng tiên, nên nó cũng lặn lội hết mấy liếp vườn nhà để bứng gốc những cây mai con về trồng một hàng trước nhà. Thằng Ut có cái tật hay nói bâng quơ, hôm đó nó nói với mấy cây mai thế này:


- Tụi bây nhớ ra bông đúng lúc mùng một Tết để mấy đứa cháu tao về chụp hình nghe.


Mấy cây mai cũng không phụ lòng của nó nên Tết hôm đó nguyên hàng trước nhà nở rộ, ai đi ngang cũng khen đẹp và bảo năm nay nhà ông bà Sáu sẽ gặp may mắn. Thằng Hai có mang máy về chụp nhiều tấm hình thật đẹp cho cả nhà ở bên hàng mai và mấy luống hoa.


Sau buổi cơm sáng, bà Sáu xách cái ghế đẩu ra mấy gốc mai để lải những cái lá phía dưới thấp. Mấy cái lá trên cao chắc phải nhờ thằng Lam xe ôm hàng xóm qua lải dùm. Năm nay hơi lạ so với mọi năm, những bông mai gặp gió chướng nên đã nở rộ mà không chờ ba ngày Tết, có lẻ năm nay nhuần hai tháng bảy nên mới như vậy. Những cánh hoa mỏng manh còn hơi sương đọng lại thơm ngát, mấy con ong vo ve tìm mật. Những con gà cũng cố nhón chân lên để mổ những bông hoa dưới thấp.


Bà Sáu nhớ lại mấy năm trước, khi con Ba còn nhỏ, nó trèo tuốt lên cây mai to, dạng chân ra bứt từng chiếc lá thải xuống đầu thằng Ut đang đứng bên dưới. Thằng Ut lúc đó còn nhỏ nên chị nó không cho trèo cao mà phải đứng lải những nhánh thấp, vì vậy nó tức lắm. Con Ba Tết năm nào cũng làm mấy bông hoa để chưng trên bàn học, nó lấy mấy cái ruột của cây mỳ phơi khô rồi dùng cái chai ép lại, sau đó cắt nhỏ từng miếng nhét vào một cái ruột mỳ khác, cuối cùng nhúng vào nước màu cho nở xoè cánh ra, trông cũng đẹp. Nó dùng một nhánh cây chanh hoặc quýt khô có gai để cắm những cái bông vào. Thằng Ut chờ chị nó làm xong, đứng từ xa chổng mông thổi hơi lại làm rụng hết mấy cánh bông để “trả thù” cái việc bị chị nó thả lá mai lên đầu. Con Ba rượt theo thằng Ut chạy vòng vòng quanh mấy gốc mai mà không túm được nó, la toáng lên cả một góc sân.
Nơi mấy cây mai mà thằng Ut trồng lúc trứơc là một hàng so đũa. Thời đó dưới quê còn nghèo lắm, đất thì chưa lên liếp trồng dừa mà chỉ toàn trồng lúa, sau đó là trồng mía, nên chẳng có cây trái gì để ăn. Thằng Hai thường hái mấy trái so đũa sắp già xuống, gỡ hột ra để lấy cái miếng dai dai màu trắng đục bên trong nhấm nháp. Hoặc nó lấy trái gòn khô, đốt một đầu cho cháy, lữa cháy tới đâu hột sẽ chín và rơi ra, cứ thế mà lượm lên ăn. Lần đó nó dùng cái lưỡi hái cắt lúa cột vào đầu một cây trúc để hái mấy trái so đũa, vì cột không chặt nên cái lưỡi hái rớt xuống trúng ngay trán chảy máu. Nó không dám khóc vì sợ bị đòn, chạy tới bên bụi sống đời, ngắt vài lá nhai nát rồi đắp lên trán cầm máu. Bây giờ cái trán nó vẫn còn dấu thẹo.


Sau lần đó ông Sáu cho đốn sạch mấy cây so đũa, làm cái hàng rào bằng nhánh tre khô, thả cho mấy dây mồng tơi bò lên nơi đó cho đến khi thằng Ut bứng mấy cây mai về trồng mới bỏ cái hàng rào đi.


Đang suy nghĩ miên man thì bà Sáu chợt nghe có tiếng xe máy đỗ xịch trước nhà. “Ai giống thằng Ut”. Bà Sáu mừng rỡ lồm cồm bứơc xuống chiếc ghế đẩu. Vậy năm nay thằng Ut lại về sớm như năm rồi, như vậy bà sẽ đỡ buồn hơn.


- Má, con mới về, má khoẻ hả má – Thằng Ut không đợi má nó trả lời, nó lên tiếng trách bà Sáu – Trời ơi, sao má không chờ con về lải lá mai cho. Má yếu như vậy lỡ có bề gì ….
Nó khệ nệ ôm một túi to vào nhà, lấy trái cây và bánh ra đặt trên bàn thờ rồi đốt nhang cho ba. Bà Sáu đi theo sau hỏi nó:


- Năm nay con nghỉ sớm hả Ut?
- Dạ – Nó vừa chấp tay xá trên bàn thờ vừa nói – Nhưng chiều nay con trở lên lại để làm thêm tới qua Tết lận má.


- Vậy là Tết con hông về hả? – Bà Sáu cảm thấy hụt hẫng sau câu nói của thằng Ut.
- Dạ không má. Lát nữa má để con lải lá mai cho, rồi con sẽ chùi mấy cái lư hương luôn.
Rồi nó nhìn sang cái túi to đùng để trên bộ ván gõ:


- À má ơi, anh Hai và chị Ba Tết này chắc cũng không về kịp, anh Hai mắc trực trong bệnh viện đến mùng 6 mới xong, còn chị Ba thì về Vĩnh Long, sau đó xuống Cà Mau để quan hệ mối làm ăn mới gì đó chắc cũng không qua đây kịp.


Bà Sáu ngồi phịch xuống ghế, lòng bà đau như cắt mà không thể nào khóc được. Không lẻ mấy đứa con lại giận bà vì chuyện ba tụi nó mất đến thế sao? Trong khi đó, thằng Ut vừa xách cái túi lại ghế bàn tròn nơi bà Sáu ngồi vừa nói:


- Vì vậy tụi con có hẹn nhau chắc khoảng cuối tháng Giêng sẽ dẫn mấy cháu về thăm má. Anh chị có gởi bánh mứt cho Má nè.


Bà Sáu chẳng thiết nhìn mấy thứ thằng Ut bày ra trước mặt, nó còn nói gì đó, hình như qua Tết nó ra ở riêng cho nên nhân dịp này nó ở lại làm thêm để có tiền trang trãi. Bà Sáu cảm thấy người xây xẩm. Lại tuột huyết áp, cái bịnh mới phát sinh từ hồi ông Sáu qua đời đến nay mà bà giấu mấy đứa con không cho tụi nó biết vì sợ tụi nó lo lắng. Bà giả bộ cười để lấy lại cân bằng. Thằng Ut bày biện xong cũng để y như vậy để xuống nhà dưới lục cơm nguội. Nó cởi trần và bới một tô đầy cơm lúi húi ăn, bà Sáu thường ngày hay nấu một lần ăn cho cả buổi chiều. Vừa ăn thằng Út vừa hỏi huyên thuyên. Bà Sáu định thần lại và chậm rãi nói với nó:


- Mua bánh mứt làm gì cho tốn kém, má có làm sẵn mấy món đang phơi ngoài kia kìa, có món mứt bí mà con thích nữa đó.


- Vậy hả má? – Thằng Ut hỏi trổng không rồi đi ào ra ngoài sân nghe điện thoại di động.
Khoảng 5 giờ chiều, sau khi ăn bữa cơm với món gà luộc chấm muối tiêu chanh – món ăn mà thằng Ut khoái khẩu - nó chuẩn bị lên thành phố. Lúc nãy nó cười và nói đùa là hai má con nó đang ăn Tết sớm vì Tết năm nay không có ai về. Bà Sáu nhai cơm mà nghe miệng mình đắng ngắt.

Thằng Út đã chùi xong bộ lư hương và quét dọn mạng nhện ở trần nhà. Nguyên hàng mai cũng được nó lải sạch lá, lúc này bà Sáu mới nhận ra những cây mai đã nở hoa gần như quá nửa. Thằng Ut lúc lải lá cứ thắc mắc hoài không hiểu tại sao, nhưng nó cũng cằn nhằn vì phải cẩn thận tránh những bông hoa dễ rụng làm nó mất thời gian.


Thằng Ut từ chối mang theo những quả bưởi sắp chín mà bà Sáu để dành Tết về cho mấy đứa con cháu ăn, nó không lấy luôn những món mứt bà làm sẳn mà năm nào nó ưa thích. Túi quà Tết thằng Út mang về bà cũng xớt lại một ít để cúng, phần còn lại lén treo ở móc xe của nó. Nhưng thằng Ut đã phát hiện ra và cằn nhằn dúi lại vào tay bà. “Anh chị chửi con chết”. Nó nói như vậy trứơc khi thưa bà, dặn bà giữ gìn sức khoẻ và đề máy chiếc xe.


Bà Sáu dặn nó chạy xe cẩn thận, khi nào tới nơi gọi về báo cho bà biết. Rồi bà tựa lưng vào gốc mai nhìn theo dáng thằng Ut xa dần. Tay bà cầm chiếc túi bánh Tết của thằng Hai và con Ba gởi về, phía trên bà là những bông hoa của cây mai cổ thụ – những bông hoa hình như biết năm nay bà ăn Tết sớm hơn mọi năm – nên đã nở xoè những chiếc cánh vàng rực cả một khoảng sân.


Nguyễn Văn Tâm A
Tp HCM, ngày 24/11/2006

Ba tôi, ông Bush, tôi và chúng ta



Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ba tôi – một nông dân chính hiệu miền Tây đến Hà Nội đúng vào cái ngày tổng thống Bush đến tham dự hội nghị Apec lần thứ 14. Ông Bush thì công du vài nước châu Á bằng chiếc phi cơ chuyên biệt trước khi đến Hà Nội, còn Ba tôi thì đi xe lửa từng chặng để có thể đi thăm các vùng miền đậm nét văn hoá suốt chiều dài đất nước. Ông từ chối cái vé máy bay khứ hồi mà vợ chồng tôi “năn nỉ” mua cho ông – vì e ngại lý do sức khoẻ của ông. Lý do là ông muốn tận mắt nhìn thấy những vẻ đẹp và nhìn nhận sự khác biệt về văn hoá của những vùng miền mà ông đi qua. Và điều quan trọng là ông muốn chi tiêu cho chuyến đi bằng chính đồng tiền của ông chứ không muốn dựa vào sự chu cấp của con cái. Ông còn nói đùa là má tôi đã can ngăn chứ nếu không ông đã cỡi xe máy để tà tà vượt qua gần 2.000 km cho … vui.

Ông Bush trong chuyến đi sang Hà Nội lần này lỗi hẹn với Việt Nam về quy chế PNTR, còn ba tôi thì giữ đúng lời hứa với tôi là sẽ mang cho tôi một túi bánh kẹp quấn tròn giòn rụm - cái món bánh nướng quê miền Nam mà hiện nay ít người biết đến và thích nó, dù cho sau bao ngày đường mấy cái bánh đã bẹp dí ở dưới đáy túi. Ba tôi tiếc hùi hụi vì đã không giữ được mấy cái bánh tròn trịa khi đến tay tôi - một người có một sở thích ăn bánh không giống sở thích số đông.

Dù đến Hà nội vào buổi sáng sớm với sức khoẻ chưa hồi phục hẳn sau những ngày đi đường vất vả – và chỉ có vợ chồng tôi ra đón, ba tôi vẫn tranh thủ hối tôi chở ông đi ra đường để tận mắt xem ông Bush như thế nào, có khác gì so với trên Tivi không? Theo ba tôi thì dù sao ông Bush cũng quá tài giỏi mới được bầu làm người đứng đầu một đất nước hiện đại và hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, tuy vẫn có những người chỉ trích tính cách cũng như chính sách gọi là “hiếu chiến” và “cứng rắn” của ông này.

Không còn chiếc áo bà ba và khăn rằn vấn trên đầu như những hình ảnh của một bác nông dân chính hiệu mà chúng ta hay bắt gặp đâu đó thấp thoáng trong các tác phẩm nghệ thuật hoặc văn học. Ba tôi đi xem mặt ông Bush với chiếc áo sơ mi trắng và áo bỏ vào quần rất lịch sự mà ngay cả tôi và vợ tôi cũng khá bất ngờ. Thấy chúng tôi trố mắt, ông cười hề hề:
- Dịp nào phải ra dịp đó chứ mậy?

Chữ “dịp” của ba tôi phản ánh chính xác cái ý mà ông muốn nói, không cần diễn giải gì thêm. Tôi đưa ông thêm chiếc áo lạnh vì bây giờ Hà Nội đã chớm Đông.

Trên đường đi, tôi hỏi ông lần này ông ra thăm chúng tôi hay là muốn xem mặt ông Bush, ông chửi tôi:
- Thằng quỷ. Mầy không biết là ông Bush có vào Tp HCM hả, mắc mớ gì tau phải chạy tuốt ra đây chỉ để xem mặt ổng mậy?

Ông tằng hắng rồi nói tiếp:
- Một công đôi ba chuyện vậy mà. Vài năm nữa tau sức đâu mà đi?

Lại một câu nói của ba tôi mà trong đó bao gồm nhiều ý.

Tôi cắc cớ hỏi ông:
- Thế hệ của ba đáng lẻ ra phải ghét Mỹ lắm chứ, ba ngoại lệ hả ba?
Ba tôi trả lời tôi bằng một câu hỏi:
- Tau tưởng đầu óc mày cởi mở hơn rồi chớ?

Hy vọng của Ba tôi giảm một nửa khi đi đón ông Bush mà chỉ thấy một đoàn người hộ tống hai chiếc xe dài ngoằng màu đen bóng loáng chạy vụt qua mà không biết ông Bush đang ngồi trong chiếc nào. Dù sao ba tôi cũng có được cái không khí phấn khởi bên ngoài. Trên đường về nhà, ông chăm chú nhìn các tấm Panel chào mừng Apec với ánh mắt thật lạ. Ông Bush chắc khá bất ngờ với thái độ vui vẻ của người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào, trong đó có ba tôi. Ba tôi bảo tôi chở ông đi dạo quanh một vòng, xem các hồ nước xanh mát của thủ đô và dặn tôi ngày mai thuê cho ông một chiếc xe máy để ông có thể tự một mình đi tới đi lui tham quan.

Buổi tối, vợ chồng tôi đề nghị dẫn ông ra một quán cơm tên là “Quán bà Sáu” ở bến xe tải Giáp Bát trên đường Giải Phóng, vì trễ quá chúng tôi không đi chợ làm cơm kịp. Tôi hí hửng khoe là sáng mai tôi sẽ đãi ba món phở ở một cái quán nổi tiếng ở Hà nội mà lần nào Sếp của tôi ra Hà Nội cũng đi đến đó thưởng thức. Không chờ tôi nói thêm, ba tôi hỏi:
- Phải cái quán vừa ngồi ghế xúp chờ vừa nghe chửi hông mậy? – Ông xua tay lia lịa– Thôi, thôi, tau không ghé chỗ đó đâu, thời bây giờ mà còn phục vụ kiểu đó, tau nghe là muốn đá đít cái con nhỏ chủ quán rồi. Cho tau ngồi nhà ăn bánh chưng còn có lý hơn.

Chúng tôi chở ông đi vòng qua khu đô thị Định Công, gió lồng lồng thổi, vài người phụ nữ chở cây kiểng bán lẻ trên phố còn nán lại một chút trong gió lạnh với hy vọng bán thêm được vài cây nữa. Chúng tôi qua đường Giải Phóng rồi quẹo vào bến xe. Thấy quán cơm nằm sâu trong lòng bến xe nên ba tôi thắc mắc:
- Quán cơm nằm ở đâu mà kỳ cục vậy mậy?

Sợ ba tôi không bằng lòng, vợ tôi buộc miệng:
- Con đã nói anh Trí rồi là đừng chở ba vào đây mà. Xa lắm.
- Không sao đâu con – Ba tôi cười – miễn ngon, sạch sẽ và giá cả bình dân là được.

Tôi không bỏ qua cơ hội biện minh:
- Ngon lắm ba, với lại bà chủ người miền Nam vui vẻ và nhiệt tình lắm, còn sồn sồn.
Ba tôi mắng:
- Mầy nói “sồn sồn” vào đó chi vậy mậy?

Vợ tôi hiểu ý của tôi muốn trêu ba tôi nên tủm tỉm cuời.

Tôi được thể chọc tiếp:
- Ba đi hơn một tuần như vầy má có nhớ ba không hén ba?
- Ai mà biết mậy, hỏi bả.

***

Khi món ăn dọn lên, ba tôi cứ tấm tắc khen ăn ở đây ngon, rẻ và phục vụ thì chu đáo. Tự dưng tôi cũng hãnh diện như là quán ăn này của nhà mình. Bà Sáu chủ quán lân la đến bắt chuyện, hỏi thăm ba tôi quê ở đâu, làm gì, ra đây làm chi, … rất cởi mở. Ba tôi sau khi dùng món canh chua, cá kho tộ của bà chủ người miền Nam vui tính hình như tìm được sự thân mật nên cũng hào hứng hơn, cái mệt mỏi đường dài hình như biến mất trên khuôn mặt của ông. Khi nghe ba tôi hỏi bà Sáu mấy hôm nay có quan tâm đến thời sự về WTO hay APEC gì không, bà Sáu cười ruồi:
- Cái đó dành cho mấy ông bự hoặc tụi 7X, 8X, 9X tụi nó quan tâm, mình già rồi, quan tâm làm chi cho mệt đầu hả ông anh?

Đợi cho bà Sáu lân la sang bắt chuyện ở các bàn khác để lấy cảm tình với khách, ba tôi hỏi tôi:
- 7X, 8X là cái gì, mày biết hông?
- Dạ, ví dụ con sinh năm 1978, thì con thuộc thế hệ 7X, còn thằng Cao con của anh ba ở nhà sinh năm 1992 thì thuộc thế hệ 9X.
- À, như vậy tau thuộc thế hệ 5X hả? – Ông gật gù – Nhưng tại sao lại kêu như vậy mậy?

Tôi được dò “trúng đài”, oang oang nói như trả bài:
- Dạ, bình thường khi cải tiến một phần mềm vi tính, người ta sẽ đặt tên gọi cho nó đi với con số cao hơn số trước đó, ví dụ như sau Corel version 12.0 sẽ là Corel 13.0. Phiên bản của phần mềm sau sẽ thừa kế những tính năng ưu thế của phiên bản trước, bỏ đi những khuyết điểm, cập nhật những tính năng mới. – Tôi ưỡn ngực tự hào – Như con đây trội hơn anh Ba, anh Ba lại trội hơn chị Hai.
- Tau đọc sách và nghe đài thấy người ta hay nhắc đến mấy cái này mà chưa có dịp hỏi ai cho rõ. – Ba tôi tiếp tục gật gù – Con hơn cha là nhà có phúc mà. Thế những đứa sinh ra từ năm 2000 đến nay gọi là thế hệ gì?

Tôi cứng họng:
- Con cũng chưa nghe nữa ba – Quay sang tôi hỏi vợ – Người ta gọi là gì em?

Vợ tôi cũng lắc đầu chịu thua.

Ba tôi quay sang hỏi chuyện của chúng tôi:
- Tụi bây tính ở luôn ngoài này hả, hai năm rồi còn gì bây?
- Dạ, không chắc đâu ba, tuỳ tình hình công việc Sếp phân công. Tụi con cũng đang xin về, Sếp cũng hứa.
- Hứa cái gì, tau nghe hai năm rồi. Tranh thủ còn lo sanh con đẻ cái nữa chứ, lông bông hoài ngoài này sao bây, hai đứa có đi học thêm gì không?

Tôi giật mình vì ít nhất 10 lần ba tôi bảo hai vợ chồng tôi phải tìm một lớp học nào đó nhưng vì tâm lý “chuẩn bị về” mà Sếp đã hứa nên cuối cùng chúng tôi chưa dám đăng ký học một lớp nào ra hồn. Chúng tôi cưới nhau xong thì ra Hà Nội công tác luôn cho đến nay, mới đó mà đã hai năm. Tôi lí nhí:
- Dạ, không có ba.

Ba tôi lặp lại câu nói của hơn 10 lần trước:
- Sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là tụi bây phải phấn đấu không ngừng, học hỏi không ngừng, nâng cao kiến thức, sau đó kiến thức sẽ quay lại phục vụ cho mình, tức là có ích cho xã hội rồi. Làm gì thì làm, nhưng tụi bây phải nhớ tới ông bà, cha mẹ nữa, đặt biệt là Lễ Tết, đám giỗ.

Tôi đánh trống lãng:
- Heo của Ba Má năm nay có khá không ba?

Ba tôi đưa mắt nhìn tôi, làm tôi bị lộ tẩy là đang đánh trống lãng, ông nói:
- Mô hình Vườn - Ao - Chuồng của tau và má bây năm nay hơi thất bại, chỉ có cá và mấy cây cacao trồng xen với dừa là vớt vát được chút ít. Tụi bây có nghe dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng kỳ rồi không? – Ba tôi dừng lại một chút – Nhưng mà quan trọng là thất bại lần này, mình phải gầy dựng lại lần khác, đừng bỏ cuộc. Tau tranh thủ đợt vệ sinh chuồng trại lần này để đi đây đi đó đó chớ.

Không biết do thời tiết hay vì những lời nói của Ba làm tôi thấy ngâm ngấm một hơi lạnh vào người.

***
Sau khi xem thời sự và trước khi đi ngủ, ba tôi lấy từ trong giỏ một quyển sách dày cui, bìa màu đen.
- Ba đang đọc quyển gì vậy ba? – Tôi tò mò hỏi.
- Quyển “Thế giới phẳng”.
- Của tác giả nào vậy ba?

Ba tôi không trả lời mà hỏi ngược lại tôi:
- Vậy gần đây nhất mày đang đọc quyển gì?
- Dạ, vợ chồng con đang cùng đọc tự truyện của Lê Vân, hay lắm Ba.

Rồi tôi say sưa kể cho ông nghe một vài chi tiết quan trọng trong quyển sách. Ông bỏ quyển sách đang đọc xuống, nói:
- Quyển sách nào cũng có cái giá trị riêng của nó, nhưng tau hơi lạ là tụi bây còn trẻ và từng là sinh viên kinh tế mà sao không biết quyển “Thế giới phẳng”?

Tôi vẫn còn vô tư:
- Sách thì có cả hàng ngàn, hàng vạn cuốn, làm sao con và ba đọc trùng một quyển hay một tác giả được ba?


Ông đằng hắng lấy giọng:
- Đúng vậy, nhưng với những người làm kinh tế mà thờ ơ với kinh tế như tụi bây mới không biết đến quyển sách này. – Không khí có vẻ hơi căng thẳng, ba tôi dừng lại giây lát rồi nói tiếp – Hàng ngày tụi bây lên mạng làm cái gì?
- Dạ, trao đổi công việc với lại tìm kiếm thông tin đó ba – Vợ tôi nói - Ngoài giờ làm việc ra thì tụi con chat hoặc đọc báo, chơi game thư giãn.

- Trời – Ba tôi tỏ vẻ ngạc nhiên – Đọc báo trên mạng mà tụi bây không biết quyển sách này mới là lạ. Kiến thức không cập nhật thường xuyên ngoài mấy cái vụ chat chít và chơi game thì làm sao thế hệ 8X trội hơn 7X và 9X trội hơn 8X được hả con?

Ba tôi bắt đầu nói với chúng tôi về nội dung chính của quyển “Chiếc Lexus và cây Ôliu” và sự chuyển tiếp giữa quyển này và quyển “Thế giới phẳng” ra sao, … Ông bảo ông hơi thất vọng vì chúng tôi có đủ điều kiện mà lại không phát huy được khả năng của mình. Bảo đi học thêm anh văn, vi tính hoặc chuyên ngành gì đó cũng không học, những quyển sách mang tính thời sự - mà tính thời sự của nó đã “chảy” về tận một vùng nông thôn xa là Mỏ Cày, quê chúng tôi - cũng không để mắt tới.

Ông bảo rằng những người già như ông có nắm tin tức thời sự thì nắm để cho biết tình hình vậy thôi. Còn chúng tôi là lớp trẻ mới là người dùng những kiến thức đó để biến chúng thành lợi ích mang về cho cá nhân mình và cộng đồng. Nhưng kiến thức bị nhiều lỗ hổng như chúng tôi thì lớp cha anh của chúng tôi có thể hy vọng thế hệ sau của mình có thể mang “phúc” về không, khi mà tôi và vợ tôi - dù cố gắng hợp tác nhưng vẫn lúng túng không thể trả lời ông được là tổ chức APEC hiện tại có bao nhiêu thành viên, Việt Nam chính thức được kết nạp vào WTO vào ngày tháng nào của năm nay?

Ông còn đề cập đến một số Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay còn quá thờ ơ với hội nhập, thì liệu kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu? Ông tưởng kiến thức về kinh tế chúng tôi sẽ khá hơn thằng em của tôi đang học đại học ở Tp Hồ Chí Minh, sinh viên kinh tế còn như vậy, thử hỏi những thành phần khác như nông dân chẳng hạn, thì hiểu biết của họ sẽ như thế nào, làm sao họ biết tự bảo vệ mình trước những mặt trái của toàn cầu hoá mang lại? Ba tôi có thói quen là hằng ngày ông trích một chút tiền từ việc bán mấy cây bưởi con trong vườn để mua báo đọc, chiếc radio lúc nào cũng rè rẹt bên người ông. Dù bận tới đâu, ông cũng không bỏ qua buổi trực tiếp thời sự nào của VTV1, nếu không xem được lúc 19g thì ông xem lúc 22 giờ trên VTV2. Ngoài ra, nghe giới thiệu quyển sách nào hay và mang tính thời sự là ông tìm mua để đọc. Má tôi ủng hộ ông hai tay vì ông đã bỏ hút thuốc và uống ruợu gần 10 năm nay.

Trong giấc ngủ tối hôm đó, tự dưng tôi nằm chiêm bao thấy ba tôi đang nói chuyện với ông Bush, hai người quàng tay vui vẻ như người quen.

Ba tôi nói đúng, thật khó lường trước được những hậu quả nghiêm trọng nếu như lớp trẻ vẫn cứ thờ ơ với những cái như WTO, APEC, ….. Chúng tôi cũng biện minh là vì phải chạy theo cuộc sống còn quá bề bộn, rồi học hành, rồi gia đình, tương lai con cái, ….. Ba tôi không đồng ý, ông bảo mọi người trên trái đất này đều vướng những cái mà tôi đang “đổ thừa”, quan trọng là mình phải biết sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, được cái này mà không phải đánh đổi mất cái khác bằng giá trị hoặc lớn hơn. Thế hệ trước ông và thế hệ của ông đã mang thanh bình về cho đất nứơc này thì trách nhiệm của thế hệ sau này phải làm sao cho Việt Nam cất cánh. Chứ không phải chỉ làm có mỗi một việc là ưởn ngực lên huênh hoang mình là phiên bản-người hiện đại nhất nên cái gì cũng nổi trội hết, phủ định nổ lực của thế hệ trước và nhìn thế sự trôi qua thế nào cũng được. Thế hệ nào cũng vậy, người ta cần phải học hỏi và trau dồi kiến thức lẫn nhau, làm mới chính mình. Con người không phải là một cỗ máy nhân tạo được nạp sẵn những dữ liệu theo lập trình mặc định.

Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy đã thấy ba tôi đứng tập thể dục dưỡng sinh ngoài sân, cạnh mấy chậu kiểng. Ông hỏi tôi mỗi ngày có tập thể dục không. Tôi biết nếu trả lời “không” thì thế nào cũng bị ông mắng nên viện lý do khác:
- Hôm nay con tính đưa ba đi ăn sáng sớm nên tụi con bỏ tập, ngày thường vợ chồng con thường đánh vũ cầu trước khi đi làm.

Ba tôi phì cuời và nói:
- Càng lớn tuổi người ta sẽ càng thấy quý sức khoẻ. Mà lạ một cái là tuổi trẻ lại ít người nghĩ tới chuyện phải rèn luyện thân thể. Tau hồi trẻ cũng vậy, ông nội bây kêu đi tập thể dục vào mỗi buổi sáng mà tau cứ nói dối hoài, đi cắm câu mà kêu là đi tập tạ. Hì hì …

Tôi đỏ mặt vì câu nói của ba tôi, tôi thừa biết từ lúc còn rất trẻ ba tôi đã đi bộ đội, còn ông nội tôi mất từ lúc chưa giải phóng thì làm sao có chuyện ông nội bảo ba tôi đi tập thể dục, mà thời đó là gì có phòng tập tạ mà tập. Không dừng lại ở đó, ba tôi bồi thêm:

- Nói dối nhiều khi sẽ làm hỏng một thế hệ.

Tôi len lén đi vào nhà để chuẩn bị đưa ba tôi đi ăn sáng. Hôm nay là thứ Bảy nên tôi được nghỉ, định sẽ làm “hướng dẫn viên” du lịch cho ba tôi nhưng ông từ chối, ông nói tự khám phá một mình cũng có cái hay của nó. Ông đã chuẩn bị đầy đủ bản đồ và các sách hướng dẫn cần thiết để đi tham quan. Ông mượn chiếc xe của tôi hàng ngày đi làm, không cần phải thuê xe và nói chiều ông sẽ quay về. Tôi nhét vào túi ông chiếc điện thoại di động của vợ tôi, để nếu ông có đi lạc thì ông sẽ gọi về hoặc tôi sẽ gọi nhắc chừng ông về sớm nhưng ông cũng từ chối. “Thiếu gì cách liên lạc mậy, số điện thoại của vợ chồng bây tao có lưu ở đây rồi”, ông nói câu đó và chìa ra quyển sổ trước khi cho xe chạy ra ngõ.

Đợi ông đi khỏi , tôi chạy ào vào nhà, bật máy tính, vào “gã khổng lồ Google” và gõ cụm từ “Thế giới phẳng”, hơn 20.000 mục có cụm từ mà tôi đang tìm hiện ra trên màn hình. Thật xấu hổ, một người tự cho là tiếp xúc với máy tính và internet thường xuyên như tôi mà lại không nghe nói gì về quyển sách nổi tiếng này.

Trưa hôm đó, tôi rủ vợ đi ra nhà sách mua vài quyển sách hay về kinh tế để đọc, có hai cuốn mà ba tôi nói tới hôm qua. Chúng tôi tạt ngang qua trung tâm tin học và ngoại ngữ để xem khi nào có lớp học mới. Không thể chờ cái “hứa hẹn” của Sếp để kéo dài thời gian “chuẩn bị về” của ông ấy nữa.

Trên đường về, chúng tôi ghé cửa hàng thể thao để mua đôi vợt về treo ở nhà, không phải để chứng minh với ba tôi rằng chúng tôi có “đang chơi” thể thao, mà bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ chơi thể thao. Thà chậm còn hơn không.

Trên khắp nẻo đường cờ xí rợp trời, một không khí “phấn khởi” – như lời ông Bush nhận xét về Việt Nam lúc này - ngập tràn cả thủ đô.

Tp HCM, ngày 20/11/2006

Mùa ngân hạnh rụng lá



Mọi chiếc lá đều rụng về cội,
Thời gian mãi trôi, dù ở thời đại nào, tình người vẫn đẹp


Tp. Bến Tre, những ngày cuối thu năm 2069.


Mấy hôm nay, vào mỗi buổi chiều, khi tiết trời bắt đầu se lạnh, người ta hay thấy một ông cụ khoảng 80 tuổi ra thắp nhang trên hai ngôi mộ ở khu nghĩa trang tại một vùng ven ngoại ô nằm ở phía bắc thành phố. Ông ngồi trầm ngâm ở đó cho đến khi trời bắt đầu sẫm tối thì chống gậy chầm chậm đi ra hướng đại lộ để về nhà.


Khu nghĩa trang thật yên tĩnh, khác hẳn với đại lộ ngoài kia lúc nào cũng tấp nập những chiếc ô tô phóng nhanh, bóp còi inh ỏi. Người ta đoán là ông cụ muốn thăm mộ người thân và nhân tiện thư giãn tinh thần. Nơi đây trồng thật nhiều cây ngân hạnh, loài cây du nhập vào Việt Nam những năm 2005-2006, nhưng đã được trồng phổ biến ở thành phố Bến Tre hiện nay. Không chỉ vì những chiếc lá vàng rơi mang vẻ đẹp lãng mạn khi vào mùa thu, mà còn vì một số lợi ích khác từ quả và thân gỗ của nó. Cứ mỗi độ thu về, trên các con đường lại tràn ngập sắc vàng. Những chiếc lá chưa khô hẳn mang dáng dấp như những bàn chân vịt rời thân cây và bay nhè nhẹ theo từng cơn gió. Lá vương trên nóc nhà, vương trên mui những chiếc ôtô đang đậu trú nắng ven đường, lên những mái tóc của các thiếu nữ và những chàng thanh niên đang tuổi vào yêu căng tràn sức sống.


Mọi người không rõ ông cụ là ai, từ đâu đến. Khi người ta hỏi, ông cụ chỉ mỉm cười thân thiện và trả lời rằng ông tên là Hoà, là bạn thân của hai người quá cố trong khu nghĩa trang này. Thấy ông cụ dễ mến nên mỗi lần gặp ông, người ta đều chào và mỉm cười với ông. Con cháu của hai người quá cố cũng thấy lạ là buổi sáng Chủ nhật vừa rồi, khi họ đến đây thì thấy nơi cắm nhang trên mộ của cha mẹ có thêm nhiều gốc nhang mới, có cả hai vòng hoa còn tươi nhưng họ nghĩ là có ai đó bà con gần xa với cha mẹ lại viếng thăm nên cũng không quan tâm nhiều.


Chiều nay, ông cụ lại ra nghĩa trang. Sau khi đốt nén nhang cho hai ngôi mộ và một vài ngôi mộ xung quanh, ông đến ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế đá bên một gốc cây ngân hạnh. Khắp nơi là một thảm lá vàng. Những cơn gió cuối thu se lạnh lâu lâu lại lùa những chiếc lá bay đi nơi khác, thì lập tức có những chiếc lá khác rụng xuống, lấp vào nơi chiếc lá trước vừa bị cuốn đi. Một chiếc lá vàng vô tình rơi xuống người ông. Ông cụ nhặt chiếc lá lên và nhìn nó mỉm cười. Chiếc lá cũng giống như đời một con người, cũng có tuổi thơ, thời xuân xanh và cuối cùng cũng trở về với đất. Có điều, vòng đời của chiếc lá ngắn hơn của con người. Nhưng mà phải như thế mới có các thế hệ chồi non mạnh mẽ hơn sinh sôi nảy nở, âu đó cũng là quy luật của tạo hoá. Một cơn gió lạnh thổi qua làm người ông cụ run lên, ông cất tiếng ho khùng khục rồi đưa tay quấn chặt thêm chiếc khăn choàng cổ lại.


Ông cụ đưa mắt nhìn về phía hai ngôi mộ nằm kề nhau. Đó là nơi yên nghỉ của hai người bạn, đúng hơn là hai người bạn thân nhất của đời ông. Nhưng cũng là hai người mà ông sợ phải đối diện nhất, bởi vì ông đã gây cho họ một lỗi lầm mà suốt đời ông không thể nào quên được.


Ông mơ màng nhớ lại những chuyện đã qua…..


Thuở bé, Hoà là đứa con duy nhất trong một gia đình khá giả nhưng thiếu hạnh phúc. Cha mẹ anh cứ hay cãi nhau, mỗi lần như thế, anh chỉ biết khóc mà không biết phải làm gì. Và bi kịch đã không ngừng xảy ra khi mẹ anh mất vì bệnh khi anh mới 12 tuổi. Cha anh lấy mẹ kế, mẹ kế lúc đầu cũng rất yêu quý anh, nhưng từ khi có em bé thì bà hay so đo và muốn mọi thứ sau này đều sẽ thuộc về đứa con riêng của mình. Cha anh có người cô ruột duy nhất bên Mỹ và hứa một ngày nào đó sẽ đưa gia đình ông qua bên đó sum họp, vì vậy lúc nào ông cũng mang tư tưởng đổi đời và làm mọi cách để có thể thực hiện được điều này.


Trong xóm, anh chơi thân với Nam và Thắm. Tụi nó là những đứa trẻ nghèo nhưng học giỏi và hiếu thảo. Tụi nó hay an ủi anh mỗi lần bị dì hoặc cha đánh đập, hất hủi. Những đứa trẻ còn lại trong xóm, nếu là con nhà giàu thì nhìn anh với ánh mắt khinh khỉnh, thương hại, còn những đứa nghèo thì không dám chơi với anh vì anh hay cộc cằn, nóng nảy. Chỉ có Nam và Thắm là hiểu tính của anh, anh nóng nảy nhưng là người sâu sắc, sống nội tâm và dễ bị tổn thương. Nhiều lần, sau khi bị cha đánh, anh lại chạy đi tìm hai người bạn thân và vùi mặt vào vòng tay họ mà khóc.


Lớn lên, khi vào cấp 3, anh Hoà đã trưởng thành hơn, đã hiểu được lý do tại sao cha lại thường xuyên cãi vã với mẹ anh và hay đánh đập anh. Đó là kết quả của những cuộc làm ăn thua lỗ, bị đối thủ giành lấy mất cơ hội, hay những chuyến hàng bị đánh thuế quá cao so với dự tính... Tuy rằng cha anh không ghét bỏ gì anh, cũng rất thương anh nhưng những lần ông biểu lộ tình thương không thể bù đắp được những trận đòn.


Anh trở nên già dặn hơn so với tuổi, tính tình lầm lì, ít nói. Tuy nhiên, trong con người khô cằn của anh cũng có nhiều mơ ước, trong đó, ước mơ lớn nhất của anh có lẽ là anh sẽ trở thành bác sĩ. Anh không muốn đi vào con đường của cha, công việc kinh doanh có lúc xuôi chèo mát mái, nhưng có lúc cũng sẽ gặp sóng to gió lớn. Do vậy với tính cách của anh - ít nhiều nhận được di truyền từ cha mình – sau này chắc cũng sẽ làm khổ vợ con như cha anh đã từng. Nghề nào cũng cao quý miễn nó mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng, nhưng có những nghề không phù hợp với một cá tính nào đó.


Còn cha anh thì không quan trọng việc này. Con người ta, lúc mạnh khoẻ thì nghĩ mình có thể làm được mọi thứ để nuôi sống bản thân và gia đình. Cha anh cũng vậy, ông nghĩ là với tài cán và sức lực của ông thì ông sẽ là cây đại thụ trong gia đình, mọi người cứ dựa vào đó mà sống, không được quyền phải từ chối những cái mà ông gọi là đặc ân. Ông cho rằng như vậy là quá đủ, mọi người còn đòi hỏi gì nữa?


Ngoài ra, cha anh cũng không để ý con ông đi theo học ngành nào là vì gia đình ông sẽ chuyển qua Mỹ, thì nếu anh có học thì cũng sẽ không đủ thời gian để anh có thể học hết đại học tại Việt Nam. Mà như vậy thì phí tiền, thà không học còn hơn.


Nhưng Hoà thì không nghĩ vậy, anh không muốn đi Mỹ, anh muốn theo học đại học và làm việc ở đây, trên chính quê hương của anh. Đêm nằm mà nghĩ đến chuyện đời mình từ nay phải gởi nơi xứ người, phải xa những cái quen thuộc của tuổi thơ, xa bạn bè, …. làm anh ứa nước mắt. Vì vậy, anh nhất quyết không đi, còn cha anh thì cố sức ép buộc và đang dồn hết tiền bạc, công sức để tiến hành mọi thủ tục cho chuyến đi.


Càng ngày tình bạn giữa anh Hoà, Nam và Thắm ngày càng khắng khít hơn. Cả ba đều mơ ước cùng vào trường Y. Anh Hoà xem Nam và Thắm là một phần không thể thiếu được trong cuộc đời của mình, anh sợ phải xa họ. Có lẽ tình cảm mà anh nhận được từ cha mẹ quá ít, thay vào đó là tình cảm san sẻ chân thành của hai người bạn nên anh cảm thấy như thế. Cho dù, anh cũng nhận thức được tình cảm bạn bè làm sao có thể so sánh với tình yêu thương của cha mẹ mình.


Cuối năm lớp 12, sau nhiều ngày cố gắng, cả ba người bạn thân đều đỗ vào đại học Y như mong đợi. Cha của Hoà nhất định không cho Hoà vào đại học mà phải chú tâm học ngoại ngữ vì chuyến đi Mỹ đã gần kề. Ông tuyên bố nếu Hoà không nghe thì ông sẽ không cấp tiền để Hoà sống ở Việt Nam cũng như đi học.


Hoà mang tâm sự của mình gặp hai người bạn trong ánh mắt ngấn nước. Nam và Thắm an ủi, khuyên Hoà nên suy nghĩ chín chắn, vì qua Mỹ định cư cũng là một cơ hội mà không phải ai cũng có được. Nói thế không phải chê quê cha đất tổ của mình, mà đó là một cơ hội, sau khi học thành tài thì quay về giúp đất nước còn nghèo cũng tốt vậy. Hoà nhất định không nghe, Hoà đã sợ lắm cái cảnh phải sống trong một gia đình không có tình thương. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người mà vật chất được đưa lên hàng đầu thì tâm hồn sẽ không khoẻ mạnh, sẽ dằn vặt, đau khổ suốt cuộc đời.


Khuyên Hoà mãi không được, cuối cùng ba người bạn quyết định là sẽ chung sức vừa học, vừa làm để kiếm tiền trang trải chuyện học hành và cuộc sống. Lúc đó cho dù cha Hoà vì giận con mà không chu cấp tiền hàng tháng thì cũng không lo, Nam và Thắm sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể. Việc làm bán thời gian cho sinh viên bây giờ không phải là khó tìm. Đa số các sinh viên hiện nay đều làm theo cách này, chứ không còn thụ động chờ hàng tháng ra bưu điện để nhận tiền từ cha mẹ nữa. Nhờ vậy mà khả năng của họ ngày càng cải thiện trong công việc và các mối quan hệ xã hội. Đó cũng là xu thế tất yếu của một xã hội phát triển, ai không theo kịp thì đương nhiên sẽ bị đào thải.


Tối hôm đó, Hoà lại có thêm một trận tranh luận căng thẳng với cha. Cha anh không còn đánh anh nữa vì dù sao anh đã lớn. Nhưng ông lại đập bàn ầm ầm bảo rằng tụi trẻ con thì nói gì không được, tưởng mình giỏi nhất thế giới hay sao mà muốn làm gì là sẽ làm được. Bản thân ông đã nhiều lúc muốn bỏ cả mạng sống của mình để có được cuộc sống như hiện nay thì một thằng nhóc con bơ bơ như Hoà sẽ làm gì để tồn tại mà còn đua đòi đi học với chả hành.


Hoà thì cho rằng cha mình chỉ đưa cái vật chất ra làm điều kiện để bắt anh đi chứ có bao giờ ông bảo Hoà đi vì ông cần tình thương của con cái, cần gia đình đoàn tụ đầm ấm,…. vì vậy, Hoà sẽ không đi. Bên cạnh cha còn có em Bình, người sẽ bên cạnh cha khi cha về già. Cha anh Hoà vẫn giữ lập trường ban đầu là ông chỉ muốn lo cho con cái đầy đủ, chứ ông có nghĩ gì đến bản thân ông. Buổi tranh luận kết thúc với một câu nói của cha làm Hoà thảng thốt:

- Đồ bất hiếu! Tụi thằng Nam và con Thắm sau này sẽ cưới nhau đó, mày dựa vào tụi nó được bao lâu?

- Con tự lo cho con được.


Tuy nói thế, nhưng Hoà bắt đầu phân tâm. Nam và Thắm sẽ cưới nhau ư? Không thể nào, họ là bạn tốt của nhau mà, cũng là bạn tốt của anh nữa. Buồn cười thật. Không có chuyện đó đâu. Không có!


Trong suy nghĩ của anh từ trước đến nay thì Hoà, Nam và Thắm là bộ ba không thể tách rời. Bộ ba này vĩnh viễn sẽ là một, không có sự thay đổi. Họ cưới nhau à? Sao lại cưới? Họ để ý nhau khi nào, bao giờ?


Trong đầu Hoà chợt nổi lên những suy nghĩ lung tung, nó ngọ ngoậy không thể nào lắng dịu xuống được. Anh cũng không biết mình đang suy nghĩ những gì, nhưng nói chung là anh không muốn Nam và Thắm cưới nhau. Lý do vì sao anh cũng chưa xác định rõ. Nó không phải là một sự ghen tuông, anh đâu có yêu Thắm, cũng như chưa từng yêu một cô gái nào. Mà hình như nó là một cảm giác hụt hẫng, giống như Hoà sẽ sắp mất mát một cái gì đó, cái đó thật lớn lao mà anh từ lâu vun đắp và ngưỡng mộ. Phải rồi, nó chính là tình cảm.


Vậy là họ bỏ rơi mình sao? Mình sẽ là gì trong mắt họ nếu họ cưới nhau, rồi ai sẽ là người để mình chia sẻ khi gặp chuyện buồn. Ai sẽ góp sức cùng mình đi làm thêm để trang trải cuộc sống và chuyện học hành?


Từ lâu, vì thiếu thốn tình cảm gia đình. Hoà đã xem Nam và Thắm là một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được của mình. Bây giờ khi nghe tin này, anh hoàn toàn sụp đổ. Mọi hi vọng và sự hi vọng của anh hoàn toàn tiêu tan. Suốt đêm anh không ngủ để chờ sáng hôm sau gặp Nam và Thắm hỏi cho ra lẽ. Mười tám tuổi, vâng, cái tuổi mà con người ta nghĩ là mình đã trưởng thành, nhưng vẫn còn đó những suy nghĩ thật ngây thơ và không chín chắn.


Sáng hôm sau, anh gặp Thắm trên một đoạn đường vắng lúc Thắm đi chợ về. Thấy Hoà, Thắm dừng xe lại:

- Hoà đi đâu sớm vậy?

- Hoà muốn hỏi Thắm một chuyện?

- Chuyện gì vậy Hoà? – Thắm xoe tròn đôi mắt khi thấy thái độ của Hoà không giống mọi hôm.

- Nam và Thắm sẽ cưới nhau à?

Thắm ửng hồng hai má:

- Ờ, ơ, sẽ, nhưng mà chưa đâu, khi tụi mình ra trường mới tính.

- Sao mọi người lại lừa dối tôi? – Hoà thét lên.

Thắm đang cười e ấp bỗng giật mình vì câu nói của Hoà, trong khi Hoà vẫn đỏ mặt:

- Không có chuyện đó được!


Nói xong, Hoà chồm tới ôm chặt lấy Thắm. Đầu óc anh sắp nổ tung, anh cũng không biết mình đang làm gì, chỉ biết là mình phải làm cái gì đó để mong chia đôi mối tình này ra.


Thắm thảng thốt chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, cố hét lên và vùng vẫy để thoát khỏi bàn tay của Hoà. Nhưng Hoà vẫn ghì chặt lấy Thắm và hôn vào mặt Thắm. Đến lúc nghe Thắm khóc lên nức nở thì Hoà chợt bừng tỉnh và buông Thắm ra. Anh đứng trân trân nhìn Thắm đang ôm mặt gục đầu vào gốc cây bên đường. Sau đó anh bỏ chạy thục mạng về nhà mà không nói một lời nào.


Về đến nhà, anh nằm vật ra giường và bắt đầu ân hận vì hành động dại dột của mình. Mấy lần định nhổm dậy gặp Nam và Thắm để nói lời xin lỗi nhưng anh không đủ tự tin để làm việc đó. Thắm sẽ đau khổ mà ôm nỗi đau này trong lòng hay sẽ kể cho Nam nghe, rồi Nam sẽ qua nhà Hoà mà đánh Hoà cũng nên. Không, Nam sẽ không làm như vậy, Nam vốn hiền lành và bao dung. Chỉ có mình là ngu muội và hồ đồ mà thôi. Sao mình không gặp Nam để nói mà trời xui đất khiến chi mình lại gặp Thắm? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không nghe hoặc không quan tâm đến tiếng khóc của Thắm? …..


Hoà nằm trong phòng cả ngày hôm đó để tự dằn vặt mình. Anh không thiết gì chuyện ăn uống. Cha anh thấy thế cũng không cho đó là việc quan trọng và ông nghĩ là anh đã đổi ý nên cũng không hỏi thêm gì.


Một tháng sau Hoà cũng chưa dám bước ra khỏi nhà. Nam và Thắm cũng mấy lần qua tìm Hoà để bàn về kế hoạch đi học nhưng anh cố tình tránh mặt, cha của anh cũng không mặn mà gì với chuyện này nên cũng tìm cách gạt ngang, thậm chí xua đuổi hai người về. Ngày Nam và Thắm khăn gói lên Thành phố Hồ Chí Minh học, Hoà đứng trong phòng nhìn theo mà nước mắt rơi lã chã. Chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ mà mình đã hành động dại dột để đánh mất đi những người bạn chân thành mà cả đời mình không thể tìm lại được. Rồi những mơ ước, những dự tính cho tương lai... đều sụp đổ tan tành. Hoà nhìn theo cái dáng dịu dàng quen thuộc của Thắm, cái lưng gầy gò của Nam cho đến khi họ khuất sau bụi tre đầu ngõ. Trong lúc ấy, Hoà còn kịp nhìn thấy hai người bạn của mình quay đầu lại nhìn về hướng của anh như thay cho một lời chia tay.


Từ hôm ấy, Hoà làm theo lời cha như một cái máy. Mọi thủ tục cha anh đã lo xong, chỉ còn chờ ngày lên đường.


Rồi ngày đó cũng tới, hàng xóm lại chúc mừng và đưa tiễn gia đình anh. Ở đây, anh không còn ai thân thuộc cả, cho nên miếng đất và căn nhà cha anh cũng bán lại cho những người hàng xóm. Lọ hài cốt của mẹ cũng được anh cẩn thận lên chùa xin về rồi mang theo trong giỏ hành lý. Khi qua phà Rạch Miễu, anh nhìn thật kỹ quê hương thân yêu để cho những hình ảnh thân thương sẽ mãi in đậm trong đầu óc của mình. Những rặng dừa xanh bát ngát, dòng nước đục ngầu mang nặng phù sa đang vỗ về những cây bần mọc lấn xuống triền sông. Kia là cây cầu Rạch Miễu đang xây dựng dở dang vươn mình trên không trung... Anh kéo nón xuống che mắt để mọi người không nhìn thấy anh đang khóc. Xin chào tất cả, chuyến đi này không biết bao giờ sẽ có dịp quay về.

*




Thời gian đầu khi sang Mỹ định cư, cuộc sống của gia đình anh gặp vô cùng khó khăn. Công việc kinh doanh của cha anh bị gián đoạn vì không phù hợp với môi trường mới. Ba người còn lại trong gia đình thì chỉ quen ăn bám vào cha nay cũng không có việc gì làm và trở thành một gánh nặng cho ông. Mọi việc không an nhàn như người ta tưởng. Ở đây, có làm thì mới có ăn, chính phủ có trợ cấp nhưng cũng chỉ phần nào. Cuối cùng thì mọi người cũng tìm được việc làm để có thu nhập đủ trang trải chi tiêu trong nhà. Riêng anh, vẫn không từ bỏ ước mơ của mình là trở thành một bác sỹ, cho nên anh cố gắng dành dụm vừa học vừa làm, cuối cùng cũng tốt nghiệp bác sỹ ở cái tuổi 38.


Vậy mà đã hơn 60 năm trôi qua, công việc dù tất bật nhưng trong ông vẫn nau náu một mong ước được trở lại quê nhà. Ông không lấy vợ mà xin một đứa con gái nuôi khi ông bước qua tuổi 50. Về thăm quê lần này, con gái của ông không sắp xếp về cùng ông được. Con gái ông cũng là người gốc Việt nên hai cha con ông dự định là nếu không có gì trở ngại, hai người sẽ về hẳn nơi chôn nhau cắt rốn của mình để định cư trong một ngày gần nhất. Những người bạn của ông chắc bây giờ cũng không nỡ nào trách ông nữa. Còn ông vẫn thiếu họ một lời xin lỗi, dù muộn màng. Ngày xưa khi còn trẻ, ông không đủ tự tin để làm việc này, còn bây giờ, nếu không nói ra thì sẽ mãi mãi không còn cơ hội nào nữa cả.


Hôm máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bến Tre. Qua cửa kính của máy bay còn thấp thoáng bóng mây, dù mắt không còn nhìn rõ nữa nhưng ông thật sự ngỡ ngàng với cảnh vật phía dưới. Những ngôi nhà cao chọc trời, rất nhiều những cây cầu hiện đại bắc qua sông nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre, cho nên ông không phân biệt được đâu là vị trí của cây cầu Rạch Miễu năm nào còn dang dở. Hành khách ngồi kế bên cho hay là thị xã Bến Tre đã trở thành thành phố và mở rộng gấp nhiều lần so với cách đây 50 năm. Châu Thành, Mỏ Cày là một trong những thành phố vệ tinh xung quanh. Các con đường bộ nối liền Bến Tre với Trà Vinh và Vĩnh Long tạo điều kiện cho đường về miền Tây rút ngắn hơn. Bến Tre đã có sân bay quốc tế, có cảng và tàu điện ngầm hoạt động suốt ngày đêm, xe ô tô là phương tiện giao thông chính. Đúng là một giấc mơ. Xa xa, dừa vẫn còn trồng xanh ngát cả một vòng đường cong của quả đất, nơi khuất xa tầm nhìn. Khi máy bay hạ thấp xuống một chút, ông nhìn thấy trên đường phố ngập tràn một sắc vàng của cây một loài cây, mà sau này ông biết là cây ngân hạnh – loài cây rụng lá vàng, báo hiệu trời đất đã vào mùa thu.


Thật khó khăn khi tìm ra nơi ở cũ của ông nếu không nhờ cây bàng cổ thụ, mọi thứ xung quanh đều thay đổi, nhưng cây bàng thì không thay đổi bao nhiêu. Dưới cây bàng có cái miếu thờ thần rắn mà hồi nhỏ bọn trẻ tụi ông không bao giờ dám bén mảng tới vào buổi tối.


Ông hỏi thăm một vài người xung quanh về những người bạn của ông, đa số họ đều không ai biết Nam và Thắm là ai, khi ông hỏi thêm hai vợ chồng đều là bác sỹ thì mới có người chợt nhớ đây là ông bác sỹ Nam nổi tiếng làm ở bệnh viện đa khoa thành phố mấy năm về trước. Nhưng nghe đâu hai vợ chồng đã mất cách đây mấy năm rồi, hiện mộ phần đặt trang trọng trong nghĩa trang mới ở khu ngoại ô thành phố. Như vậy là sau khi tốt nghiệp đại học, hai người bạn của ông đã quay về để phục vụ cho quê nhà. Đó cũng là xu hướng mới của những trí thức thời đó khi có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài của các cấp lãnh đạo tỉnh nhà, với nỗ lực biến Bến Tre từ một thị xã vùng sâu trở thành một thành phố hiện đại trong khu vực. Thế giới đã “phẳng” từ lâu theo cách nói của Thomas L. Friedman - tác giả hai quyển sách nổi tiếng “Chiếc xe Lexus và cây ôliu” và “Thế giới phẳng” của những năm đầu thế kỷ 21, cho nên vấn đề ngồi ở đâu để làm việc trong thế giới này cũng không quan trọng bằng việc người ta có thu nhập cao, ổn định và có cơ hội phát huy tài năng của mình trong các mối siêu liên kết toàn cầu. Huống hồ chi Thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Bến Tre lúc đó chỉ cách nhau chưa đầy 100 km. Ông Hoà cũng buồn vì mình đã không tận dụng được những lợi ích đó để phục vụ cho quê hương, chỉ vì cái mặc cảm và cái tự ti quá lớn của mình.


Nghe mọi người kể về những người bạn, ông Hoà lấy khăn ra lau vội dòng nước mắt. Vậy là cuối cùng ông cũng không gặp được họ để nói lên lời xin lỗi muộn màng. Họ ra đi mà không biết được lý do của cái hành động dại dột của ông lúc trước, nghĩ tới đó ông chợt khóc lên thành tiếng. Những người dân tốt bụng dìu ông vào nhà, ông nhận mấy câu an ủi chân thành và một tách trà nóng rồi xin phép đi về.


Hôm nay, ông lại được ở gần hai người bạn thân như mọi hôm. Ngày mai ông phải lên máy bay để về Mỹ. Vì cô con gái không yên tâm khi ông ở một mình ở đây nên đã đặt vé cho ông rồi. Nước mắt của ông lại đầm đìa trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Ông lại lên cơn ho khùng khục. Con gái ông đã khuyên ông nên chờ cô ấy sắp xếp cùng về để có người chăm sóc cho ông nhưng ông không nghe, ông muốn về đúng cái thời điểm mà cách đây 63 năm ông đã rời quê hương ra đi. Vả lại, nếu còn chần chờ mãi thì sức khoẻ biết đâu cũng không chờ ông được. Rồi những người bạn của ông, biết đâu nay họ còn khoẻ, nhưng mai thì đau ốm bất ngờ. Sức khoẻ tuổi già là vậy, như đèn dầu leo lét trước gió.


Vậy mà họ đã ra đi trước khi ông kịp quay về để nói lời xin lỗi. Những lời xin lỗi bây giờ còn có ý nghĩa gì nữa. Chắc có lẽ là đợi đến khi gặp nhau ở thế giới bên kia. Ông thều thào trong tiếng nấc:

- Nếu hai bạn linh thiêng, có tha thứ cho tôi thì hãy khoan, chờ tôi với, kẻo đi đầu thai thì tôi không còn gặp hai người được nữa. Sang kiếp sau biết đâu mà tìm? Làm sao tôi nói lên lời xin lỗi đây... Năm sau chúng tôi sẽ dọn về đây để sẽ mãi gần hai bạn...


Ông nói thế nhưng cũng không biết có kiếp sau hay không. Việc đó khoa học vẫn chưa giải thích được thấu đáo. Vì có ai chết đi sống lại để kể về cuộc sống sau cái chết đâu. Mà nếu có thì các nhà khoa học lại cho rằng đó chỉ là ảo giác phát sinh từ các tế bào não, chứ không tin vào những bộ não đã không còn hoàn toàn khoẻ mạnh sau lần chết hụt kia. Nhưng không hiểu sao những người già như ông lại càng lúc càng tin có thế giới bên kia, con người chết đi không phải là hết. Đôi khi ông cũng có cảm giác gặp lại những người thân đã khuất của mình, gặp ông bà – những người ông chưa từng biết mặt, gặp lại cha với ánh mắt nghiêm khắc quen thuộc và những lời trăn trối của ông lúc sau cùng là muốn được sống ở quê nhà. Những cảm giác đó không phải là thực nhưng cũng không hẳn là mơ, nhưng nó là dấu hiệu báo trước cho ông biết ngày ra đi của ông sẽ không còn xa nữa, dù cho ông vẫn khoẻ mạnh với cái tuổi 81.


Chiều nay lạnh hơn mọi hôm, hay trong người ông cụ không được khoẻ mà sao ông lại cứ húng hắng ho mãi, chắc do chưa thích nghi kịp với sự thay đổi đột ngột của khí hậu. Thời tiết mọi năm lúc này ở bên Mỹ còn lạnh gấp nhiều lần hơn so với ở đây, nhưng ông vẫn cảm thấy lạnh. Ông chậm rãi đưa tay vào túi lấy mấy viên thuốc mà con gái ông dặn dò kỹ lưỡng là phải mang theo bên mình kẻo lên cơn ho thì không có ai kế bên chăm sóc. Và cô sẽ gọi điện nhắc nhở và hỏi thăm ông thường xuyên. Tìm mãi không thấy mấy viên thuốc. Ông chợt nhớ ra là lúc sáng ở khách sạn, ông đã thay áo khoác mà quên bỏ bịch thuốc sang chiếc áo ông đang mặc. Lúc này đầu óc lại quên trước quên sau rồi.


Ông định đứng lên đi về khách sạn để lấy thuốc uống cho dứt cơn ho thì bỗng một cơn gió lạnh thổi tới. Những chiếc lá cuối cùng trên những cành cây khẳng khiu lắc lư, một vài chiếc rơi xuống. Thấp thoáng trong những cánh lá vàng bay xào xạc ông chợt thấy có dáng của hai người đang đi tới chỗ ông ngồi. Họ mỉm cưới với ông. Ông cũng mỉm cười đáp lại. Một người phụ nữ có dáng đi thong thả với mái tóc dài phất phơ, một người đàn ông ốm mảnh khảnh với vẻ mặt phúc hậu. Họ ngồi xuống bên ông:

- Anh Hoà thấy người khoẻ không?

- Nam và Thắm đó à? – Ông thoáng vẻ vừa sợ vừa vui mừng, sợ vì không hiểu sao hai người lại có mặt ở đây, mừng vì mong ước gặp mặt hai người bạn thân của ông đã được toại nguyện – Tôi khoẻ, không sao đâu.


Rồi ông khóc, ông không ngần ngại vùi đầu vào vòng tay của hai người bạn như thuở còn thơ bé:

- Tôi xin lỗi, ngàn lần xin lỗi, tôi tôi …

- Không sao đâu anh Hoà ơi!– Người đàn ông nói – chúng tôi hiểu anh mà.


Người phụ nữ tiếp lời:

- Lần đó tôi có kể cho anh Nam nghe đầu đuôi câu chuyện. Anh Nam bảo tôi rằng có lẽ Hoà sợ mất đi tình bạn nên mới hành động vậy thôi, chứ không có ác ý gì đâu.

- Sau đó chúng tôi tìm mọi cách liên lạc với anh mà không được. Với lại, chúng tôi nghĩ nếu để anh đi nước ngoài thì biết đâu tốt cho anh thì sao. Nhưng chúng tôi cũng ân hận mãi là không biết làm cách nào để cho anh biết là chúng tôi không giận anh. Để cho anh tuổi tác thế này mà còn cố gắng tìm về đây để nói lời xin lỗi nữa.


Ông Hoà ngước đôi mắt nhoè đi vì nước mắt nhìn Nam và Thắm, họ vẫn trẻ và vẫn có dáng vóc như ngày nào. Sao lại như vậy, ông đang nằm mơ chăng? Nam và Thắm vẫn nhìn ông vẻ thông cảm. Ông mỉm cười rồi nói:

- Tôi chỉ chờ có bấy nhiêu đó thôi, giờ thì mãn nguyện lắm rồi. Cảm ơn… ơn…


Ông Hoà lại sụt sùi như một đứa trẻ. Giờ thì có chết ông cũng không ân hận chút nào nữa. Nam và Thắm vẫn bao dung, độ lượng, hiền hoà. Có phải vì thế mà họ mới có một gia đình hạnh phúc, con cái hiếu thảo không? Ông xúc động vì tâm tư dằn vặt của mình đã được giải thoát.


Bỗng cảm thấy hơi khó chịu trong người, ông Hoà bèn đưa tay vào túi để tìm mấy viên thuốc, nhưng không thấy đâu cả. Ông chợt nhớ là lúc nãy mình đã nói là quên mang theo mà…. Đầu óc lại lẩm cẩm nữa rồi …..Đúng lúc đó ông nghe như có tiếng chuông điện thoại reo lên, chắc là của cô con gái, ông mỉm cười vì sự lo lắng quá đáng của cô. Lại khuyên ông quay về Mỹ sớm đây mà. Suốt từ hôm ông về Việt Nam, mỗi ngày cô đều gọi cho ông ít nhất hai lần, hôm nay là thứ sáu nên ông muốn ngồi lại với bạn ông lâu hơn một chút. Chắc cô cũng sẽ vui khi nghe ông kể lại chuyện này cho mà xem. Nhưng ông chợt cảm thấy mình khoẻ hẳn ra, người nhẹ như không. Hai người bạn nãy giờ vẫn ngồi bên cạnh ông, họ vẫn nhìn ông mỉm cười. Ông cũng mấp máp môi cười đáp lại ….

Sáng sớm hôm sau, người ta phát hiện xác của một ông cụ nằm trên ghế đá của khu nghĩa trang. Ông đã tắt thở như trên môi vẫn còn giữ một nụ cười mãn nguyện, tay phải nắm chặt chiếc điện thoại còn nằm trong túi áo. Chắc ông bị cảm lạnh tối qua và đã cố gắng gọi điện cho một ai đó nhưng không kịp. Xung quanh ông chỗ ông nằm, lá vàng phủ đầy, những chiếc lá ngân hạnh cuối cùng của một mùa thu se lạnh.


TP. Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2006


Nguyễn Văn Tâm A

CON CÁ KÈO





Khi nghe tới từ “Chợ”, quý vị bỗng hình dung đến một nơi dơ bẩn và hôi hám, ồn ào với đông người đi bộ qua lại, chen lấn với nhau để đi ngược đi xuôi, đi lên hoặc đi xuống.



Điều đó chỉ đúng một phần so với cái chợ ven sông mà tôi muốn đề cập trong câu chuyện này. Tức là nó vẫn hôi hám, dơ bẩn và ồn ào nhưng không có cái cảnh chen lấn ngược xuôi của những người đi bộ, mà chỉ thấy toàn xe cộ qua lại. Khách muốn mua hàng thì xình xịch trờ xe máy tới, tháo khẩu trang ra, nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi hất hàm hỏi:



- Bao nhiêu tiền một kí vậy?



- Mua đi em, lâu quá mới gặp nhỉ – Bà bán hàng vui vẻ như gặp phải khách quen, nhưng bà biết đâu đây là vị khách mới ghé hàng của bà lần đầu – Cá kèo 90 ngàn một ký, rẻ rề hà em ơi, mở hàng cho chị nghen cưng?



- Bảy chục!? – Cô khách hàng vẫn vẻ mặt lạnh lùng, vẻ mặt không phải của một khách quen.



- Chị bao giá em luôn, ở đâu có giá bảy chục mang lại đây chị mua.

Khách hàng không nói thêm một lời, rồ ga vọt đi.



Bà bán hàng cá léo nhéo với theo một câu không được thiện cảm cho lắm nhưng rồi bà đổi ngay sang nét mặt tươi như hoa để mời một vị khách tiếp theo.



Bà hàng cá là một phụ nữ trạc năm mươi. Nhan sắc cũng sắp tàn phai theo thời gian, nhưng nhờ chủ nhân của nó khéo giữ gìn chăm bón và cố níu kéo để làm chậm quá trình hao mòn tự nhiên nên cái cây nhan sắc của bà vẫn còn xanh lắm. Lông mày với những thứ bẩm sinh mà tự nhiên đã sắp đặt sẳn dành cho một con người được thay thế bằng hai nét chì màu đen kẻ cong cớn theo sở thích của chủ nhân, chẳng quan tâm đến việc nó có hợp với đôi mắt không còn mấy tinh tường như thuở mười tám đôi mươi hay không. Đôi môi thì có lẻ được bơm nhiều lần nên nó có vẻ dài ra gần ngang bằng với cái mũi, màu sắc thì loèn loẹt chỗ đen chỗ đỏ chẳng thành một màu sắc cố định, thế mà vẫn có người cho là đẹp, cho là xinh tươi. Cái tự nhiên đã biến đi mất, thay vào đó là một cái gì đó ngộ nghĩnh, không hợp lí với những cái mà lẻ ra, nếu để tự nhiên thì nó sẽ hợp lí hơn.



Sáng hôm nay là một buổi chợ ế. Vừa mới mở mắt ra thì ông trời đã dội ngay xuống một trận mưa tầm tả, cái chợ thường ngày vốn đã bẩn hôm nay còn bẩn hơn. Mỗi lần có khách chạy xe qua, bà hàng cá cố gân cổ mời mọc mà chỉ dăm người ngoái lại nhìn thôi rồi ung dung phóng xe đi, có nhiều anh nhiều chị trang bị quần bảnh bao nhưng vô ý thức còn cho xe xoẹt một bãi nươc sình vào mấy cái thau chứa cá của bà mà không hay, không nghe luôn những tiếng hét tướng ln mắng mỏ của bà.



Bởi vì trươc mặt bà là những ổ nước khá to, trời khô thì không lo nhưng hễ trời mưa thì y như rằng nơi đó thành những cái hồ chứa nước, những cái hồ này nối dài và đổ từng giọt xuống một con sông nhỏ trước mặt, thành ra dù có đọng nước nhưng nếu chịu khó khơi thông thì dòng nước cũng sẽ chảy xuống sông phần nào. Đôi lần bà định dời đi nơi khác nhưng địa điểm này đã trở thành quen thuộc, dời đi nơi khác thì những khách quen khó tìm và biết đâu chẳng chuyển qua hàng khác.



Phải khai thông dòng nước thôi. Bà nhổm người đứng lên thì bỗng một con cá kèo phóng vọt ra khỏi chiếc thau, nó cố quẩy đuôi hướng về phía vũng nước. Bà nhăn mày, không phải, bà nhăn hai nét bút chì mà lẽ ra nơi đó là hai cái lông mày, có vẻ khó chịu xách đầu con cá bỏ trở lại chiếc thau và càu nhàu:



- Mày con phóng ra lần nữa thì biết tay bà.



- Khỉ gió cái đứa đầu trộm đưôi cướp nào đã lấy mất đồ của bà – Bà lại càu nhàu và đổ bớt nước trong thau ra.



Số là cái nắp đậy những cái thau cá đan bằng lưới của bà tối qua bị đứa nào ở chợ lấy mất. Thường ngày trước khi dọn hàng bà vẫn cẩn thận cột mọi thứ vào gốc cây sau lưng mà chẳng mất mát gì, nhưng sáng nay lại mất, thế mới điên chứ. Không có nắp đậy, mấy con cá kèo cứ nhảy nhót ra ngoài, nhặt vào mỏi cả tay. Dùng nắp kín đậy lại thì không ổn, khách qua lại biết mình để cái quái gì phía trong mà mua với chẳng bán.



Vừa càu nhàu xong, định quay lưng đi làm việc khác thì bà lại nghe tiếng động, thì ra một con cá nữa vọt ra. Bà nghiến những cái răng còn đủ lực bám trên hàm lại, rít lên:



- Lại là mày, cái con cá kèo cứng đầu.



Tuy nói thế, nhưng đố bà biết đây có phải là con cá ban nãy hay không, nhìn vào muời con cá kèo thì ta thấy chúng nó giống nhau như mười giọt nước, có gắn mắt thần hoặc nhờ y học can thiệp bằng phương pháp kỹ thuật gien thì may ra mới phân biệt được con nào với con nào.

Nhưng thật trùng hợp quý vị ạ, đúng là con cá ban nãy. Hình như nó đã quyết định bằng cách nào đó phải thoát khỏi cái thau, lần phóng ra ngoài lúc nãy, nó đã để ý thấy một đường nước dẫn ra hướng sông, đó là cửa sống còn duy nhất của nó.



Đọc đến đây, quý vị có lẻ đang mỉm cười vì loài vật làm sao biết suy nghĩ mà lại còn quyết định này nọ và còn để ý nữa. Thật ra chúng ta cứ quen quan niệm thế, chúng ta nghĩ rằng chỉ có con người là loài động vật cấp cao nên có quyền suy nghĩ và quyết định vận mệnh mọi thứ, ngay cả quyền quyết định chính tính mạng đồng loại của mình. Thực ra mọi loài có đầu óc đều có suy nghĩ đấy quý vị ạ, chỉ có điều, chúng ta hoặc là không quan tâm đến hoặc là cố tình không chấp nhận. Nếu quý vị khó tính nào vẫn không chấp nhận việc này thì thử một lần tưởng tượng rằng loài vật cũng biết suy nghĩ đi nhé, như thế cho vui vẻ hai bên.



Lại nói về bà hàng cá, trong lúc bà định chổng mông lên nắm cổ con cá khốn nạn và phen này định quật nó chết tươi cho hả dạ thì bỗng nghe roẹt một tiếng. Mặt mũi bà chợt tối đen.



- Quân khốn nạn – Bà rú lên – Chạy xe kiểu gì thế, văng nước bẩn vào mặt bà thế này hả?



Đáp lại lời bà là một âm thanh của tiếng xe phóng nhanh và mất dần.



Bà hàng cá tội nghiệp vẫn đứng lơ ngơ giữa đường mà không định được phương hướng nào để đi vào. Bà phải réo bà bán hàng tôm bên cạnh nhờ mượn cái khăn để lau sơ hai con mắt và cố nhìn cho rõ cái đứa vừa tạo ra một cơn khiếp vía không báo trước dành cho bà. Nhưng nó đã biến mất khỏi tầm nhìn còn đâu. Bà đi về hướng bờ sông để vón nước lên rửa mặt mà mồm thì mắng nhiếc cái con người vô danh kia không tiếc lời.



Trong lúc tai nạn từ đâu ập xuống bất ngờ cho bà hàng cá thì vô tình tạo may mắn cho con cá kèo, nó đã mất hút dưới cái hồ nước mà con người và thiên nhiên đã hợp tác tạo ra trước mặt bà hàng cá. Nên cho dù bà có cố tìm cũng sẽ khó mà thấy được nó, nó len lỏi phía dưới mấy hòn đá lởm chởm ở đáy và định hướng dòng chảy của nước để ra hướng sông. Mấy con cá trong thau thuộc loại nhát cáy, nó đã rủ thêm vài đứa cùng đi trốn với nó nhưng tụi nó không dám, nằm trong thau mà cứ im thin thít chờ chết. Nó thì không muốn thế, ở lại thì chắc chắn sẽ vào dạ dày của một động vật cao cấp có cái tên chung là “con người” nào đó, nó đã đôi lần nghe kể về những cái máy ăn thịt này, vào tay họ là sẽ tàn đời. Khi ra ngoài thì còn có cơ may sống sót dù hy vọng rất mong manh, dù sao nó cũng dũng cảm hơn những đứa biết chết mà vẫn cam chịu chờ đợi.



Bà hàng cá lúc này đã nguôi giận và tạm quên cái lý do tại sao mình phải cúi người xuống để cho tai bay hoạ gửi vào mặt, vả lại cũng có một vị khách đến mở hàng với cái giá có lời nên mặt bà vui ra hẳn. Bà rất thích bán hàng cho những loại khách là đàn ông này, một phần vì thích khoe cái ngực đồ sộ mà không biết vì vô tình hay cố ý bà để hở hang mời mọc, mặt khác vốn vì các đấng nam nhi hay có cái tính tự ái, không muốn phụ nữ và những người xung quanh cho là bủn xỉn nên bà có hét giá nào thì anh ta sẽ mua giá đó, không cần mặc cả lôi thôi như những bà nội trợ vốn khó tính.



- Nhớ quay lại hàng chị mua giá rẻ nghen – Bà nhoẻn miệng cười duyên với vị khách sau khi thối lại tiền thừa, bà đánh hai con mắt đong đưa – hàng chị là bán rẻ nhất đấy.



Vị khách cũng tưởng mình mua được giá rẻ nên mừng rỡ, mặt anh ta hơi đỏ lên không biết vì cái liếc mắt của bà chủ hàng hay là do cái thứ đồ sộ hở hang ra phía dưới chiếc áo rộng cổ của bà.



Đẩy đưa xong với vị khách đầu tiên trong ngày, bà hàng cá hất hàm hỏi bà bên cạnh:



- Lúc nãy mày thấy tao lôi đầu con cá bỏ vào thau chưa vậy?



Bà hàng tôm lắc đầu:



- Ai mà biết bà nội. Ghé mua tôm đi cô bác ơi.



- Sao nó đâu mất tiêu rồi?



- Thì chắc nó ở dưới cái ổ voi trước mặt bà chứ đâu?



Con cá kèo lúc này đã đuối sức, cái màu nước đục ngàu làm nó cay mắt và mọi thứ xung quanh đều có vẻ mờ mịt. Nãy giờ nó đã mấy phen chết hụt vì có cái gì tự dưng đổ ập cạnh đầu nó, may mà nó tránh kịp, nhưng cái thân dài ngoằng của nó biết có tránh được mấy lượt đây? Nếu mà con cá biết tư duy như con người thì chắc hẳn nó biết đấy là mấy cái bánh xe máy mà có con người nào đó đang chiễm chệ phía trên.



Chợt nó thấy hai vật gì đấy đang ngọ ngoậy kế bên và nước thì động dữ dội. Bà hàng cá lúc này đang cố mò mẫm bàn tay có sơn phết chất màu ở đầu các móng hòng tìm cho ra con cá khốn nạn, nó cũng là tiền mà bà bỏ ra mua đi bán lại nên bà thấy tiếc của. Con cá cố nép mình vào một nơi kẹt đá và người nó bắt đầu rung lên, giá mà nó có tay và biết cầu nguyện thì lời cầu nguyện là hợp lý nhất trong hoàn cảnh cam go này. Một bên là con người to béo đang cáu gắt và hằn học vì cái tài sản của mình bị mất, một bên một con vật bé nhỏ đang cố trốn tránh để tìm cơ may sống sót. Thật là một bức tranh không cân xứng.



Tìm mãi không thấy cái thứ cần tìm, bà hàng cá cáu tiết gọi cha mẹ con cá ra mà rủa. Bà bán hàng kế bên cười giễu:



- Coi chừng bà bắt nó vào rồi thì sao, hay là nó nhảy xuống sông rồi.



Vừa lúc đó có dáng một chiếc xe máy từ xa chạy tới nên bà hàng cá đành lòng phải đi vào phía trong, việc phải lựa chọn giữa cái an toàn và cái bắn nước vào mặt cộng với kinh nghiệm lúc nãy đã bảo bà là tốt nhất nên chọn cái an toàn.



Con cá lúc này thấy im nên lặng lẻ chui ra khỏi chỗ nấp, quẩy mạnh đuôi để tiến lên phía trước, hơi nhô đầu lên để lấy không khí thoáng. Nó có cảm giác gần sông lắm rồi, vì dòng nước dù rất yếu nhưng chỗ này đã mạnh hơn. Cuộc sống tự do và cơ may sống sót đã gần kề, nó mừng và cả người nó lại rung lên. Nhưng khốn nạn thay, khi nó chưa kịp mừng thì bỗng một vật lù lù lại đổ ập xuống, xẹt ngang qua thân nó, và theo sức cuốn của dòng nước nó bị bắn văng lên chỗ khô, phơi toàn bộ cái thân hình gần như mềm nhũng ra.

Một tiếng hét lên vui mừng:



- Bà Lan, con cá của bà tìm nãy giờ kìa! Hình như nó bị xe hất lên đó.



Bà hàng cá thầm cảm ơn rối rít cái thằng người vừa chạy chiếc xe máy vọt qua. Thằng đó cũng vô tình mà không biết mình vừa làm được một việc vô cùng nhân đạo là giúp bà hàng cá tìm lại được cái món tài sản quý giá bị mất, nên cứ thế mà nó phóng xe đi chẳng mảy may biết có việc gì đã xảy ra.



Con cá khốn khổ nằm bẹp dí trên mặt đường ẩm ướt, một chút hy vọng sống mong manh cũng hình như không còn, thay vào đó là một sự đau đớn toàn thân. Nó cố gắng cựa quậy như hình như bị bất lực.



Có tiếng thình thịch bước lại và một thân người cúi xuống nắm lấy phần vây đuôi nhấc bổng nó lên. Bà hàng cá đưa nó sát mặt ngắm nghía xem nó có bị xây sướt gì không. Bà há miệng ra cười ha hả:



- Chắc nó chết rồi nhưng còn tươi mày ạ, vẫn bán được.



Con cá gượng mắt nhìn đống thịt đồ sộ trước mặt, nó nhận ra bà hàng cá qua cái lông mày vẽ cong cớn và đôi môi ngang bằng cái mũi, chắc là nó sẽ không thoát khỏi tay bà rồi. Nhưng bản năng sống của nó chợt trổi dậy, nó cố lấy hết sức bình sinh quẩy một cái rõ mạnh, da nó trơn tuột nên bà hàng cá không thể giữ được, thế là nó rơi tõm xuống sông trong cái há hốc mồm của bà hàng cá và tiếng cười vang chế giễu của bà bán hàng tôm bên cạnh.



Con cá kèo vẫn chưa biết mình đã làm cách nào để có thể đủ sức mà thực hiện một hành động như thế. Nhưng nó biết là nó đã về được cái nơi mà lẻ ra nó có quyền được sinh sống đến mãn đời như bao sinh vật khác. Nhưng nó và bạn bè của nó cũng đã hơn một lần chua chát nhận ra thực tế không phải như vậy, bàn tay con người có thể tạo ra mọi thứ nhưng chính họ cũng sẽ làm các thứ đó biến mất theo ý muốn của mình. Mặc kệ, nó cố gắng hưởng thụ những giây phút mà cách đây mấy hôm nó có nằm mơ cũng không thấy.



Trên bờ, bà Lan cũng sượng sùng với bà bạn hàng kế bên vì mình quá hớ hênh. Nhưng bà kịp lấy lại bình tĩnh và bật cười ha hả xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Mất một con cá thì chỉ cần bà tìm một khách hàng nam nhi chi chí nào đó, đánh mắt cười duyên, giả vờ kéo áo xuống để trưng bày bộ ngực đồ sộ của mình lấp vào đôi mắt vị khách đấy là có thể moi ra một cái giá trị quy bằng tiền cao gấp mấy lần con cá chết tiệt vừa tuột khỏi tay bà.



Khu chợ sau đó cũng trở lại không khí bình thường, vẫn những câu chào mời í ới, vẫn những cái môi dài ra vì được kêu giá quá cao hoặc bị trả giá quá thấp. Vẫn cái nhếch nhác và dơ bẩn mà một cái chợ vốn có, lâu lâu lại có một vài người cao hứng quăng rác hoặc đổ ào một phát nước bẩn xuống sông. Có ai biết được dưới lòng sông kia, có một sinh vật bé nhỏ vừa thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc, nó đã tìm lại quyền được sống của mình, cái quyền mà đáng lẻ mọi sinh vật đều có quyền hưỡng thụ khi đã được đấng tạo hoá sinh ra. Nó vẫn còn đau lắm, đau đến mức không thể cựa quậy được nữa, vì thế mà nó thả lỏng cho toàn thân chìm hẳn xuống đáy bùn. Giá mà loài của nó có thể hé miệng ra cười được thì thế nào nó cũng cố nặn ra một nụ để mà thoả nguyện trong lòng.



Tp HCM, ngày 28/08/2005

BẢN LĨNH GIÁM ĐỐC





Buổi sáng.
Một buổi sáng như bao buổi sáng khác tại một cơ quan nhà nước thời mở cửa.

Căn phòng im phăng phắc cộng với hơi lạnh vừa đủ và tiếng nhạc không lời nhè nhẹ thoang thoáng qua tai tạo một cảm giác thật khoan khoái cho bất kỳ ai khi đã đặt chân bước vào Phòng kế toán.

Năm cái bàn được kê song song nhau, quay mặt ra hướng cửa, trên năm cái bàn xuất hiện lù lù năm mái tóc dài gắn trên năm khuôn mặt xinh như hoa. Năm cái máy vi tính để bàn cùng cỡ với nhau, cùng màu trắng tinh và được quấn dây cẩn thận, chứng tỏ chúng đã được quan tâm một cách thật đặc biệt. Riêng bàn làm việc của Kế toán trưởng được đặt ở trong cùng để dễ quan sát toàn bộ căn phòng, cái bàn này khá to và cầu kỳ hơn so với năm cái bàn của các kế toán viên, cái ghế ngồi càng đặc biệt hơn vì đây là loại ghế xoay và kềnh càng, người ngồi có thể ngồi với tư thế ưởn ngực lên phía trước, đầu ngã về phía sau để thư giãn những khi làm việc quá căng thẳng hoặc mệt mỏi. Trên bàn là một cái máy tính xách tay màu bạc sang trọng, màn hình phẳng tinh thể lỏng.

Anh Kế toán trưởng đi đâu đó ra ngoài nên cái ghế ngồi trông có vẻ càng to hơn và thô kệch. Nhất là trong lúc này, khi ông Thông - Giám đốc mới về nhậm chức - đang đứng chiểm chệ ngay cửa ra vào mà không nhân viên nào hay cả. Có lẽ khi vào ông kéo cửa khá nhẹ nhàng hoặc tiếng giày ông khẽ quá, nhưng cũng có thể các nhân viên mải làm việc nên không để ý, chỉ nghe tiếng gõ lách cách vào bàn phím. Ông cảm thấy hài lòng, làm việc tập trung và chăm chỉ thế này là tốt. Tuy chỉ có một điều ông cảm thấy không mấy thiện cảm là ..... cái ghế ngồi của anh Kế toán trưởng sao lại có thể to đến thế, trông rất dị hợm, nhìn không cân xứng với thiết kế căn phòng chút nào. Trình độ vi tính của ông Thông đang mon men nửa trình độ A và nó đang có ý định dừng lại ở đó vì có muốn nhồi vào tiếp cũng sợ không vào nổi, thì cái việc trong khi ông xài tạm một cái máy để bàn cũ kỹ so với cái máy xách tay sang trọng của anh Kế toán trưởng thì còn có thể chấp nhận được. Còn cái ghế ngồi thì mục đích chính là để đặt cái cần đặt xuống thôi thì đâu cần phải to và đắc tiền hơn cái ghế của ông chứ?

Ông thấy có cảm giác khó chịu và định đẩy cửa bước ra ngoài, cùng lúc đó thì anh Bình - Kế toán trưởng cũng từ ngoài kéo cửa bước vào. Nhìn thấy ông, anh Bình mừng rỡ như gặp người họ hàng đã gần mười năm xa cách:

- Dạ chào anh, anh ghé phòng tụi em có việc gì không ạ, mời anh vào!

Lúc này, năm cái đầu của năm cô Kế toán mới ngẩng lên và nhận ra phòng mình có khách. Cả năm cô đều cười tươi như hoa và đồng loạt đứng dậy chào.Ông Thông cũng mỉm cười dù trên gương mặt còn chút vẻ ngượng:

- Tôi đến xem các anh chị làm việc thế nào thôi mà!- Thế anh thấy thế nào ạ?- Khá chăm chỉ đấy – Ông Thông gật gù, dợm bước ra cửa - Tôi có việc phải đi đây, mọi người làm việc đi nhé.

- Dạ, chào anh.

Sau khi ông Thông vừa khuất sau cánh cửa thì anh Bình bước tới hỏi cô nhân viên ngồi bàn trên cùng:
- Sếp vào lúc nào vậy Hương?

Cô gái tên Hương tròn xoe mắt, ngơ ngác:

- Em cũng không biết nữa?

Các cô khác cũng phụ họa theo:
- Đúng là Sếp vào lúc nào tụi em cũng không hay nữa anh Bình ơi!

- Thôi mấy đứa làm việc đi.

Bình đi về chỗ ngồi của mình và cười tự tán thưởng một mình. Bình là một người trên dưới 36 tuổi, hơi ốm, nước da trắng xanh vì phải ngồi trong mát nhiều. Ngoài ông bảo vệ già nua ngoài cổng và bà vệ sinh cũng lụm cụm thì Bình dám cá rằng mình là người có thâm niên lâu đời nhất ở đây. Các tên trưởng phòng khác như Phòng Kinh doanh, phòng kế hoạch, ..... thì thay ra thay vào xoành xoạch trông mà mỏi cả mắt, mặt nhớ cũng không xuể huống hồ chi nhớ tên với chả tuổi.

Cũng chẳng trách tụi này, thứ nhất là không có quen biết, thứ hai là không khéo léo, và hàng trăm lý do khác nữa mà có ngồi kể thì đến hết năm. Nhớ lúc mới vào làm, Bình cũng lơ ngơ như đứa trẻ mới đi chợ tỉnh lần đầu tiên. Cũng may là việc cũng quen người dần và theo năm tháng, kinh nghiệm dồn lên đầy ăm ắp dù lúc học ở lớp trung cấp Kế toán, anh luôn là người đứng nhất nhì trong danh sách những đứa lười học.

Từ khi Bình vào làm đến nay đã hai đời Giám đốc, ông Thông là người thứ ba. Các ông Giám đốc trước một người thì bị cách chức vì liên quan đến một số việc bê bối tài chính, đến nay bặc tin tức, nghe đâu ông ta bị điều chuyển về một vùng xa xôi ở Đồng Tháp, chịu không nổi cảnh không nhàn hạ như đã từng nên đã về quê của mình vui thú điền viên. Lần đó nếu Bình không khéo mồm thì chắc hiện giờ đang tung tăng ở một nơi nào đó chứ không phải nơi đây. Một ông khác vừa lên chức cao hơn và vẫn giữ mối quan hệ tốt với Bình cho tới hôm nay.

Theo nguồn tin “mật“ mà Bình nắm được thì ông Giám đốc mới này là một tay nói hay hơn làm. Người ông thì hạn chế chiều dài nhưng lại phung phí chiều ngang, hai mắt ti hí như mắt lươn, đã vậy còn vấn ngang chiếc môi hơi chìa ra bằng một hàm râu quặp xuống, lưa thưa như râu của những quả bắp cuối mùa. Phía trên cặp lông mày là một nơi đã bị “sa mạc hoá“ mà các Công ty dầu gội nhìn thấy phải làm ngơ vì không tìm thấy cơ hội khoe các công dụng của các loại dầu gội cao cấp.

Hơn nửa tháng ông ta về đây, khi đưa ra 10 quyết định thì hết 6 quyết định làm Bình phải dài môi ra khi đọc. Hừ, để xem ông ta còn ngồi trên ghế Giám đốc được bao lâu.

Bình ngồi thẳng người lên và gọi to:

- Hương, em lại đây anh bảo.

Hương nhấn phím Enter nghe cạch một phát để dứt điểm công việc gì đó đang dở dang rồi đủng đỉnh lại bàn của Bình. Cô hơi mỉm cười, nghiêng đầu chờ đợi.

- Em dặn mấy đứa cẩn thận nhé, anh cài hệ thống Y! Messenger để tụi em có thể thông tin qua lại mà không gây mất trật tự và thư giãn sau những lúc căng thẳng. Mấy đưá đừng có lạm dụng việc này làm mất thời gian và Sếp mà biết là anh khoá lại hết đấy.

- Dạ tụi em vẫn đang làm việc đấy chứ anh ạ!?

Anh vừa nhìn thấy máy tính nào cũng mở cửa sổ chat ra đấy, bảo tụi nó làm việc đi.

- Dạ- Hương quay người lại, có vẻ không hài lòng và cao giọng - Này các cô, làm ơn tắt cửa sổ chát chít dùm nhé, nếu có đang dở dang thì hẹn chiều ra Internet công cộng nghe.

Việc cài chương trình chat nội bộ và Y!Messenger trong phòng là “sáng kiến“ của Bình. Lúc chưa có Internet, phòng Bình chỉ có anh và 2 cô mà đã ồn ào chịu không nổi rồi, hết chuyện bồ bịch, siêu thị, thời trang,... rồi đến cãi cọ tranh luận, ... nghe mà nhức cả đầu. Người thời nay thường nói: “Hai phụ nữ duyên dáng và một chú vịt thì sẽ trở thành một cái siêu thị“ cũng không ngoa tí nào. Quản lý một phòng toàn là con gái đâu phải là chuyện dễ dàng, nhất là các cô còn đang tuổi xuân phơi phới như các cô trong phòng này. Vì vậy, tận dụng lợi thế của Công nghệ thông tin cũng có cái hay, và Bình quyết tâm đi theo cách có một không hai: Khi nối mạng, Bình đã ra yêu cầu rõ ràng ngoài công việc, có gì thì cứ “tám“ qua mạng nội bộ cho thoải mái, khỏi cần phải lời qua tiếng lại gây ồn ào, còn nói chuyện với bạn bè bên ngoài thì có thể dùng Internet nhưng phải có giờ, có lúc. Khi đó người ngoài có nhìn vào cũng khó mà đánh giá được nội tình của Phòng đã và đang làm gì.

Ban đầu cái quy định mang tính nội bộ của phòng này có vẻ hơi kì cục này làm các cô rất khó chịu và phản ứng rất dữ dội. Nhiều chuyện với nhau bằng cách lạch cạch bàn phím thì còn gì là hứng thú và mất đi tính “truyền thống“ vốn có, nhưng lâu dần thành quen. Mỗi cô ôm một máy, đôi khi chát chít mà người ngoài cứ tưởng là các cô đang làm việc, có vào Internet cả ngày cũng không sao, tha hồ mà tung tăng trên mạng vì anh Bình cũng không nói gì. Lâu lâu thấy anh ấy cũng nhắc nhở nhưng rồi thì đâu vẫn vào đấy, miễn công việc vẫn hoàn thành đúng tiến độ thì không vấn đề gì.

Đang suy nghĩ miên man thì cô Bé - kế toán tiền lương mon men lại chỗ Bình ngồi, xuống giọng:

- Anh ơi, việc tìm người phụ giúp công việc của em thế nào rồi ạ?

- Chết, anh quên mất – Bình vỗ trán – Cô Thắm bên phòng kế hoạch có nhờ anh cho cô cháu gái của cô ấy qua thử việc mà anh quên mất.

- Dạ- Bé gãi đầu - Anh giúp sớm dùm em, dạo này công việc nhiều quá anh ạ.

- OK, anh tiến hành ngay ấy mà.

Bình quên mất việc quan trọng này, quên cả việc anh định mua một cái máy vi tính cho nhân viên mới, bàn thì có sẳn vì Phòng kế hoạch sẽ nhường cho một cái vì bên kia có người sắp nghỉ. Cơ quan của Bình chưa có phòng mua riêng và chưa có hệ thống kiểm soát nội bộ, mà việc này rất quan trọng để tránh gian dối cho một số kẻ muốn gian mà làm dối, còn kẻ gian mà đủ trò mưu mẹo thì Trời cũng phải bó tay mà nhìn thôi.

Một số cơ quan tiến bộ khác thì người ta đã có phòng mua, người phụ trách mua hàng phải dọ giá ít nhất ba nhà cung cấp có giá thấp nhất, trình giám đốc giá cả của ba nơi này và giá tham chiếu của lần mua trước, sau đó giám đốc mới ký duyệt nếu đồng ý. Nhưng ở cơ quan của Bình, hiện tại phòng nào có yêu cầu mua đồ dùng trong phòng thì Trưởng phòng chỉ việc đề xuất Giám đốc, Giám đốc thấy giá cả hợp lý thì ký duyệt và người nào có hiểu biết về món đồ cần mua thì người đó sẽ trực tiếp đi mua về mà dùng.

Dịp may đã tới, nghe nói ông Thông là người không am hiểu mấy về máy tính nên Bình tha hồ mà kê hưu kê vượn. Nghĩ là làm, Bình lôi ra trong ngăn kéo một tờ giấy đề nghị mua máy tính làm sẳn mấy hôm nay, với tay cầm theo cái kiếng đeo mắt và đứng lên đi về phòng Giám đốc.

Phòng giám đốc ở tầng hai nên Bình phải mất khoảng 5 phút để đi lên. Trong phòng hình như có khách, Bình đứng chờ bên ngoài và tranh thủ đọc lại nội dung của tờ đề xuất mua máy tính. Trong lòng vừa cảm thấy lo lắng vừa cảm thấy thoả mãn vì kế hoạch của mình sắp hoàn thành.

Khách vừa đẩy cửa bước ra, thì ra đó là cô Thắm trưởng phòng kế hoạch. Cô Thắm nhìn Bình cười thật tươi rồi đi xuống lầu. Bình khẽ đẩy cửa và bước vào, ông Thông đang loay hoay với cái ghế ngồi vì hình như thân hình của ông hơi quá khổ với cái ghế. Thấy có người vào, ông lấy lại vẻ tự nhiên và cầm lấy cây bút bi để sẳn trên bàn.

Bình với tư thế thoải mái chào ông Thông và trình bày mục đích của mình. Ông Thông gật đầu:

- Cô Thắm cũng vừa nói chuyện này với tôi, định gọi anh lên để bàn bạc, ngày mai anh cứ cho thử việc nhé, nếu thấy làm được thì nhận cô bé ấy vào. Một mặt anh cũng ra thông báo tuyển dụng cho khách quan người ta thấy công bằng.

- Dạ, em hiểu ạ.- Còn việc mua máy tính thì ..... để tôi xem nào ……

Ông Thông cầm lấy tờ giấy Bình vừa đưa qua, đeo mắt kính vào và nheo mắt lại để xem:

- Giấy đề xuất mua máy tính hả?

Mặt ông hơi căng thẳng khi nhìn thấy giá đề xuất mua chiếc máy. Ông nhìn Bình dò xét:

- 18 triệu đồng, máy tính dạo này đắt thế cơ à?

- Mặt bằng giá hiện nay khoảng đó là dùng tạm được đấy anh ạ.

Ông Thông cầm bút ghí ghí vào chỗ ký duyệt để trống, lòng Bình mừng khấp khởi, xem như là công việc đã sắp hoàn thành. Lời đồn quả thật không sai, ông ta chẳng biết gì về máy móc, thế mà cũng ngồi vào chiếc ghế này, chẳng hiểu ra làm sao cả. Nhưng ông Thông chợt ngẩng lên và hỏi tiếp:

- Thế ai đi mua và định bao giờ mua?

Bình xoa xoa hai bàn tay vào nhau:- Dạ, chiều nay thì gấp quá, ngày mai thì em bận họp cả ngày nên có thể là ngày kia em mới đi mua được ạ. Hiện tại cơ quan mình chưa có ai rành về máy tính cả nên sợ là mua đồ linh tinh về sẽ xài không được.

- Thế thì tốt rồi - Ông Thông vừa gật gù vừa ký roẹt vào tờ giấy mà không còn chút do dự nào cả.

Buổi chiều.
Vẫn căn phòng im phăng phắc cộng với hơi lạnh vừa đủ và tiếng nhạc không lời nhè nhẹ tạo một cảm giác thật khoan khoái dễ chịu trong Phòng kế toán. Bình vừa ngồi vừa cảm thấy thoải mái trong lòng vì sự việc ban sáng, thật ra trong việc này Bình có khá nhiều kinh nghiệm và đây là một trong những “chiêu“ nhỏ để thăm dò mà thôi. Bình vừa suy nghĩ miên man vừa cười một mình.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa và một người khệ nệ ôm một thùng hàng bước vào. Vì có tiếng động lớn nên mọi người ai cũng phải ngẩng đầu lên và tắt vội các cửa sổ công việc không cần thiết trên máy tính.

- Anh tìm ai thế? – Cô Hương ngồi bàn đầu tiên hất hàm hỏi.

- Dạ cho em gặp anh Bình ạ.Bình đẩy ghế đứng lên và bước ra, có vẻ hơi ngạc nhiên:

- Tôi Bình đây, có việc gì không anh?

- Em đến đây giao hàng, đây là chiếc máy tính – Anh ta dừng lại, để cái máy xuống đất và lấy từ túi ra một giấy giao nhận hàng – Anh vui lòng ký nhận dùm.

Bình tím mặt:

- Ai bảo anh mang máy lại đây?

- Dạ chú Thông giám đốc ạ.Bình choáng váng, nhưng cũng kịp lấy lại bình tĩnh, anh hỏi:

- Thế hoá đơn đâu?

- Dạ hoá đây – Anh nhân viên máy tính lần vào túi và mang ra tờ hoá đơn đỏ – Chú Thông bảo anh chỉ ký nhận vào giấy giao nhận va nhận máy thôi, còn hoá đơn phải chuyển lại cho chú để chú ấy thanh toán bên thủ quỹ.

Hương đứng cạnh đó nhanh tay cầm lấy tờ hoá đơn và kêu lên:

- Trời ạ, máy xịn ư, tới 18 triệu đây này, anh Bình đổi vào cho máy em nhé.

Bình giật lấy tờ hoá đơn, tái mặt, giả vờ cầm lại bàn để xem và ngồi phịch xuống ghế.


Trên phòng giám đốc, ông Thông thoáng mỉm cười. Có ai biết được mới ngày hôm qua thôi, vợ ông vừa mua một chiếc máy tính giá 7 triệu cho cô con gái cưng vừa được vào lớp 6. Thật ra thì ông cũng chẳng quan tâm đến chuyện tiền nong, nhưng vì trong lúc giận dữ việc gì đó, bà vợ ông đã quát con bé rằng:

- Chiếc máy này giá 7 triệu đấy chị ạ, mục đích chính là học chứ không phải mấy trò chat chit nhố nhăng nhé.

Ông Thông nhấc máy lên gọi về nhà:

- Ngày mai bà đi mua cho tôi một chiếc máy tính để bàn đặt vào phòng của tôi nhé. Hiện tôi đang rất cần một chiếc máy để buổi tối trang bị thêm kiến thức, mù mờ tin học thời buổi này thật khó làm quản lý bà ạ.

Không hiểu đầu dây bên kia bà vợ nói gì mà ông Thông đưa tai nghe ra xa một chút và sau đó mỉm cười:

- Bà khỏi lo, chiều nay tôi sẽ mang đúng 11 triệu về cho bà, số tiền mà có người cho không tôi đấy bà ạ, 7 triệu bà mua máy cho tôi, số còn lại bà làm gì thì làm.

Rồi ông nhẹ nhàng gác máy và thở một hơi dài khoan khoái. Đưa cho vợ 11 triệu bên túi này từ việc thu chênh lệch mua chiếc máy tính theo giá của anh Kế toán đã hào phóng đề nghị thì ông vẫn còn 5 triệu của cô Thắm vừa đưa ban sáng ở túi bên kia. Bản lĩnh của một Giám đốc mới nhậm chức như ông quả xưa nay hiếm.
Tp HCM, ngày 27/08/2005