Tuesday 9 January 2007

Ba tôi, ông Bush, tôi và chúng ta



Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ba tôi – một nông dân chính hiệu miền Tây đến Hà Nội đúng vào cái ngày tổng thống Bush đến tham dự hội nghị Apec lần thứ 14. Ông Bush thì công du vài nước châu Á bằng chiếc phi cơ chuyên biệt trước khi đến Hà Nội, còn Ba tôi thì đi xe lửa từng chặng để có thể đi thăm các vùng miền đậm nét văn hoá suốt chiều dài đất nước. Ông từ chối cái vé máy bay khứ hồi mà vợ chồng tôi “năn nỉ” mua cho ông – vì e ngại lý do sức khoẻ của ông. Lý do là ông muốn tận mắt nhìn thấy những vẻ đẹp và nhìn nhận sự khác biệt về văn hoá của những vùng miền mà ông đi qua. Và điều quan trọng là ông muốn chi tiêu cho chuyến đi bằng chính đồng tiền của ông chứ không muốn dựa vào sự chu cấp của con cái. Ông còn nói đùa là má tôi đã can ngăn chứ nếu không ông đã cỡi xe máy để tà tà vượt qua gần 2.000 km cho … vui.

Ông Bush trong chuyến đi sang Hà Nội lần này lỗi hẹn với Việt Nam về quy chế PNTR, còn ba tôi thì giữ đúng lời hứa với tôi là sẽ mang cho tôi một túi bánh kẹp quấn tròn giòn rụm - cái món bánh nướng quê miền Nam mà hiện nay ít người biết đến và thích nó, dù cho sau bao ngày đường mấy cái bánh đã bẹp dí ở dưới đáy túi. Ba tôi tiếc hùi hụi vì đã không giữ được mấy cái bánh tròn trịa khi đến tay tôi - một người có một sở thích ăn bánh không giống sở thích số đông.

Dù đến Hà nội vào buổi sáng sớm với sức khoẻ chưa hồi phục hẳn sau những ngày đi đường vất vả – và chỉ có vợ chồng tôi ra đón, ba tôi vẫn tranh thủ hối tôi chở ông đi ra đường để tận mắt xem ông Bush như thế nào, có khác gì so với trên Tivi không? Theo ba tôi thì dù sao ông Bush cũng quá tài giỏi mới được bầu làm người đứng đầu một đất nước hiện đại và hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, tuy vẫn có những người chỉ trích tính cách cũng như chính sách gọi là “hiếu chiến” và “cứng rắn” của ông này.

Không còn chiếc áo bà ba và khăn rằn vấn trên đầu như những hình ảnh của một bác nông dân chính hiệu mà chúng ta hay bắt gặp đâu đó thấp thoáng trong các tác phẩm nghệ thuật hoặc văn học. Ba tôi đi xem mặt ông Bush với chiếc áo sơ mi trắng và áo bỏ vào quần rất lịch sự mà ngay cả tôi và vợ tôi cũng khá bất ngờ. Thấy chúng tôi trố mắt, ông cười hề hề:
- Dịp nào phải ra dịp đó chứ mậy?

Chữ “dịp” của ba tôi phản ánh chính xác cái ý mà ông muốn nói, không cần diễn giải gì thêm. Tôi đưa ông thêm chiếc áo lạnh vì bây giờ Hà Nội đã chớm Đông.

Trên đường đi, tôi hỏi ông lần này ông ra thăm chúng tôi hay là muốn xem mặt ông Bush, ông chửi tôi:
- Thằng quỷ. Mầy không biết là ông Bush có vào Tp HCM hả, mắc mớ gì tau phải chạy tuốt ra đây chỉ để xem mặt ổng mậy?

Ông tằng hắng rồi nói tiếp:
- Một công đôi ba chuyện vậy mà. Vài năm nữa tau sức đâu mà đi?

Lại một câu nói của ba tôi mà trong đó bao gồm nhiều ý.

Tôi cắc cớ hỏi ông:
- Thế hệ của ba đáng lẻ ra phải ghét Mỹ lắm chứ, ba ngoại lệ hả ba?
Ba tôi trả lời tôi bằng một câu hỏi:
- Tau tưởng đầu óc mày cởi mở hơn rồi chớ?

Hy vọng của Ba tôi giảm một nửa khi đi đón ông Bush mà chỉ thấy một đoàn người hộ tống hai chiếc xe dài ngoằng màu đen bóng loáng chạy vụt qua mà không biết ông Bush đang ngồi trong chiếc nào. Dù sao ba tôi cũng có được cái không khí phấn khởi bên ngoài. Trên đường về nhà, ông chăm chú nhìn các tấm Panel chào mừng Apec với ánh mắt thật lạ. Ông Bush chắc khá bất ngờ với thái độ vui vẻ của người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào, trong đó có ba tôi. Ba tôi bảo tôi chở ông đi dạo quanh một vòng, xem các hồ nước xanh mát của thủ đô và dặn tôi ngày mai thuê cho ông một chiếc xe máy để ông có thể tự một mình đi tới đi lui tham quan.

Buổi tối, vợ chồng tôi đề nghị dẫn ông ra một quán cơm tên là “Quán bà Sáu” ở bến xe tải Giáp Bát trên đường Giải Phóng, vì trễ quá chúng tôi không đi chợ làm cơm kịp. Tôi hí hửng khoe là sáng mai tôi sẽ đãi ba món phở ở một cái quán nổi tiếng ở Hà nội mà lần nào Sếp của tôi ra Hà Nội cũng đi đến đó thưởng thức. Không chờ tôi nói thêm, ba tôi hỏi:
- Phải cái quán vừa ngồi ghế xúp chờ vừa nghe chửi hông mậy? – Ông xua tay lia lịa– Thôi, thôi, tau không ghé chỗ đó đâu, thời bây giờ mà còn phục vụ kiểu đó, tau nghe là muốn đá đít cái con nhỏ chủ quán rồi. Cho tau ngồi nhà ăn bánh chưng còn có lý hơn.

Chúng tôi chở ông đi vòng qua khu đô thị Định Công, gió lồng lồng thổi, vài người phụ nữ chở cây kiểng bán lẻ trên phố còn nán lại một chút trong gió lạnh với hy vọng bán thêm được vài cây nữa. Chúng tôi qua đường Giải Phóng rồi quẹo vào bến xe. Thấy quán cơm nằm sâu trong lòng bến xe nên ba tôi thắc mắc:
- Quán cơm nằm ở đâu mà kỳ cục vậy mậy?

Sợ ba tôi không bằng lòng, vợ tôi buộc miệng:
- Con đã nói anh Trí rồi là đừng chở ba vào đây mà. Xa lắm.
- Không sao đâu con – Ba tôi cười – miễn ngon, sạch sẽ và giá cả bình dân là được.

Tôi không bỏ qua cơ hội biện minh:
- Ngon lắm ba, với lại bà chủ người miền Nam vui vẻ và nhiệt tình lắm, còn sồn sồn.
Ba tôi mắng:
- Mầy nói “sồn sồn” vào đó chi vậy mậy?

Vợ tôi hiểu ý của tôi muốn trêu ba tôi nên tủm tỉm cuời.

Tôi được thể chọc tiếp:
- Ba đi hơn một tuần như vầy má có nhớ ba không hén ba?
- Ai mà biết mậy, hỏi bả.

***

Khi món ăn dọn lên, ba tôi cứ tấm tắc khen ăn ở đây ngon, rẻ và phục vụ thì chu đáo. Tự dưng tôi cũng hãnh diện như là quán ăn này của nhà mình. Bà Sáu chủ quán lân la đến bắt chuyện, hỏi thăm ba tôi quê ở đâu, làm gì, ra đây làm chi, … rất cởi mở. Ba tôi sau khi dùng món canh chua, cá kho tộ của bà chủ người miền Nam vui tính hình như tìm được sự thân mật nên cũng hào hứng hơn, cái mệt mỏi đường dài hình như biến mất trên khuôn mặt của ông. Khi nghe ba tôi hỏi bà Sáu mấy hôm nay có quan tâm đến thời sự về WTO hay APEC gì không, bà Sáu cười ruồi:
- Cái đó dành cho mấy ông bự hoặc tụi 7X, 8X, 9X tụi nó quan tâm, mình già rồi, quan tâm làm chi cho mệt đầu hả ông anh?

Đợi cho bà Sáu lân la sang bắt chuyện ở các bàn khác để lấy cảm tình với khách, ba tôi hỏi tôi:
- 7X, 8X là cái gì, mày biết hông?
- Dạ, ví dụ con sinh năm 1978, thì con thuộc thế hệ 7X, còn thằng Cao con của anh ba ở nhà sinh năm 1992 thì thuộc thế hệ 9X.
- À, như vậy tau thuộc thế hệ 5X hả? – Ông gật gù – Nhưng tại sao lại kêu như vậy mậy?

Tôi được dò “trúng đài”, oang oang nói như trả bài:
- Dạ, bình thường khi cải tiến một phần mềm vi tính, người ta sẽ đặt tên gọi cho nó đi với con số cao hơn số trước đó, ví dụ như sau Corel version 12.0 sẽ là Corel 13.0. Phiên bản của phần mềm sau sẽ thừa kế những tính năng ưu thế của phiên bản trước, bỏ đi những khuyết điểm, cập nhật những tính năng mới. – Tôi ưỡn ngực tự hào – Như con đây trội hơn anh Ba, anh Ba lại trội hơn chị Hai.
- Tau đọc sách và nghe đài thấy người ta hay nhắc đến mấy cái này mà chưa có dịp hỏi ai cho rõ. – Ba tôi tiếp tục gật gù – Con hơn cha là nhà có phúc mà. Thế những đứa sinh ra từ năm 2000 đến nay gọi là thế hệ gì?

Tôi cứng họng:
- Con cũng chưa nghe nữa ba – Quay sang tôi hỏi vợ – Người ta gọi là gì em?

Vợ tôi cũng lắc đầu chịu thua.

Ba tôi quay sang hỏi chuyện của chúng tôi:
- Tụi bây tính ở luôn ngoài này hả, hai năm rồi còn gì bây?
- Dạ, không chắc đâu ba, tuỳ tình hình công việc Sếp phân công. Tụi con cũng đang xin về, Sếp cũng hứa.
- Hứa cái gì, tau nghe hai năm rồi. Tranh thủ còn lo sanh con đẻ cái nữa chứ, lông bông hoài ngoài này sao bây, hai đứa có đi học thêm gì không?

Tôi giật mình vì ít nhất 10 lần ba tôi bảo hai vợ chồng tôi phải tìm một lớp học nào đó nhưng vì tâm lý “chuẩn bị về” mà Sếp đã hứa nên cuối cùng chúng tôi chưa dám đăng ký học một lớp nào ra hồn. Chúng tôi cưới nhau xong thì ra Hà Nội công tác luôn cho đến nay, mới đó mà đã hai năm. Tôi lí nhí:
- Dạ, không có ba.

Ba tôi lặp lại câu nói của hơn 10 lần trước:
- Sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là tụi bây phải phấn đấu không ngừng, học hỏi không ngừng, nâng cao kiến thức, sau đó kiến thức sẽ quay lại phục vụ cho mình, tức là có ích cho xã hội rồi. Làm gì thì làm, nhưng tụi bây phải nhớ tới ông bà, cha mẹ nữa, đặt biệt là Lễ Tết, đám giỗ.

Tôi đánh trống lãng:
- Heo của Ba Má năm nay có khá không ba?

Ba tôi đưa mắt nhìn tôi, làm tôi bị lộ tẩy là đang đánh trống lãng, ông nói:
- Mô hình Vườn - Ao - Chuồng của tau và má bây năm nay hơi thất bại, chỉ có cá và mấy cây cacao trồng xen với dừa là vớt vát được chút ít. Tụi bây có nghe dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng kỳ rồi không? – Ba tôi dừng lại một chút – Nhưng mà quan trọng là thất bại lần này, mình phải gầy dựng lại lần khác, đừng bỏ cuộc. Tau tranh thủ đợt vệ sinh chuồng trại lần này để đi đây đi đó đó chớ.

Không biết do thời tiết hay vì những lời nói của Ba làm tôi thấy ngâm ngấm một hơi lạnh vào người.

***
Sau khi xem thời sự và trước khi đi ngủ, ba tôi lấy từ trong giỏ một quyển sách dày cui, bìa màu đen.
- Ba đang đọc quyển gì vậy ba? – Tôi tò mò hỏi.
- Quyển “Thế giới phẳng”.
- Của tác giả nào vậy ba?

Ba tôi không trả lời mà hỏi ngược lại tôi:
- Vậy gần đây nhất mày đang đọc quyển gì?
- Dạ, vợ chồng con đang cùng đọc tự truyện của Lê Vân, hay lắm Ba.

Rồi tôi say sưa kể cho ông nghe một vài chi tiết quan trọng trong quyển sách. Ông bỏ quyển sách đang đọc xuống, nói:
- Quyển sách nào cũng có cái giá trị riêng của nó, nhưng tau hơi lạ là tụi bây còn trẻ và từng là sinh viên kinh tế mà sao không biết quyển “Thế giới phẳng”?

Tôi vẫn còn vô tư:
- Sách thì có cả hàng ngàn, hàng vạn cuốn, làm sao con và ba đọc trùng một quyển hay một tác giả được ba?


Ông đằng hắng lấy giọng:
- Đúng vậy, nhưng với những người làm kinh tế mà thờ ơ với kinh tế như tụi bây mới không biết đến quyển sách này. – Không khí có vẻ hơi căng thẳng, ba tôi dừng lại giây lát rồi nói tiếp – Hàng ngày tụi bây lên mạng làm cái gì?
- Dạ, trao đổi công việc với lại tìm kiếm thông tin đó ba – Vợ tôi nói - Ngoài giờ làm việc ra thì tụi con chat hoặc đọc báo, chơi game thư giãn.

- Trời – Ba tôi tỏ vẻ ngạc nhiên – Đọc báo trên mạng mà tụi bây không biết quyển sách này mới là lạ. Kiến thức không cập nhật thường xuyên ngoài mấy cái vụ chat chít và chơi game thì làm sao thế hệ 8X trội hơn 7X và 9X trội hơn 8X được hả con?

Ba tôi bắt đầu nói với chúng tôi về nội dung chính của quyển “Chiếc Lexus và cây Ôliu” và sự chuyển tiếp giữa quyển này và quyển “Thế giới phẳng” ra sao, … Ông bảo ông hơi thất vọng vì chúng tôi có đủ điều kiện mà lại không phát huy được khả năng của mình. Bảo đi học thêm anh văn, vi tính hoặc chuyên ngành gì đó cũng không học, những quyển sách mang tính thời sự - mà tính thời sự của nó đã “chảy” về tận một vùng nông thôn xa là Mỏ Cày, quê chúng tôi - cũng không để mắt tới.

Ông bảo rằng những người già như ông có nắm tin tức thời sự thì nắm để cho biết tình hình vậy thôi. Còn chúng tôi là lớp trẻ mới là người dùng những kiến thức đó để biến chúng thành lợi ích mang về cho cá nhân mình và cộng đồng. Nhưng kiến thức bị nhiều lỗ hổng như chúng tôi thì lớp cha anh của chúng tôi có thể hy vọng thế hệ sau của mình có thể mang “phúc” về không, khi mà tôi và vợ tôi - dù cố gắng hợp tác nhưng vẫn lúng túng không thể trả lời ông được là tổ chức APEC hiện tại có bao nhiêu thành viên, Việt Nam chính thức được kết nạp vào WTO vào ngày tháng nào của năm nay?

Ông còn đề cập đến một số Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay còn quá thờ ơ với hội nhập, thì liệu kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu? Ông tưởng kiến thức về kinh tế chúng tôi sẽ khá hơn thằng em của tôi đang học đại học ở Tp Hồ Chí Minh, sinh viên kinh tế còn như vậy, thử hỏi những thành phần khác như nông dân chẳng hạn, thì hiểu biết của họ sẽ như thế nào, làm sao họ biết tự bảo vệ mình trước những mặt trái của toàn cầu hoá mang lại? Ba tôi có thói quen là hằng ngày ông trích một chút tiền từ việc bán mấy cây bưởi con trong vườn để mua báo đọc, chiếc radio lúc nào cũng rè rẹt bên người ông. Dù bận tới đâu, ông cũng không bỏ qua buổi trực tiếp thời sự nào của VTV1, nếu không xem được lúc 19g thì ông xem lúc 22 giờ trên VTV2. Ngoài ra, nghe giới thiệu quyển sách nào hay và mang tính thời sự là ông tìm mua để đọc. Má tôi ủng hộ ông hai tay vì ông đã bỏ hút thuốc và uống ruợu gần 10 năm nay.

Trong giấc ngủ tối hôm đó, tự dưng tôi nằm chiêm bao thấy ba tôi đang nói chuyện với ông Bush, hai người quàng tay vui vẻ như người quen.

Ba tôi nói đúng, thật khó lường trước được những hậu quả nghiêm trọng nếu như lớp trẻ vẫn cứ thờ ơ với những cái như WTO, APEC, ….. Chúng tôi cũng biện minh là vì phải chạy theo cuộc sống còn quá bề bộn, rồi học hành, rồi gia đình, tương lai con cái, ….. Ba tôi không đồng ý, ông bảo mọi người trên trái đất này đều vướng những cái mà tôi đang “đổ thừa”, quan trọng là mình phải biết sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, được cái này mà không phải đánh đổi mất cái khác bằng giá trị hoặc lớn hơn. Thế hệ trước ông và thế hệ của ông đã mang thanh bình về cho đất nứơc này thì trách nhiệm của thế hệ sau này phải làm sao cho Việt Nam cất cánh. Chứ không phải chỉ làm có mỗi một việc là ưởn ngực lên huênh hoang mình là phiên bản-người hiện đại nhất nên cái gì cũng nổi trội hết, phủ định nổ lực của thế hệ trước và nhìn thế sự trôi qua thế nào cũng được. Thế hệ nào cũng vậy, người ta cần phải học hỏi và trau dồi kiến thức lẫn nhau, làm mới chính mình. Con người không phải là một cỗ máy nhân tạo được nạp sẵn những dữ liệu theo lập trình mặc định.

Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy đã thấy ba tôi đứng tập thể dục dưỡng sinh ngoài sân, cạnh mấy chậu kiểng. Ông hỏi tôi mỗi ngày có tập thể dục không. Tôi biết nếu trả lời “không” thì thế nào cũng bị ông mắng nên viện lý do khác:
- Hôm nay con tính đưa ba đi ăn sáng sớm nên tụi con bỏ tập, ngày thường vợ chồng con thường đánh vũ cầu trước khi đi làm.

Ba tôi phì cuời và nói:
- Càng lớn tuổi người ta sẽ càng thấy quý sức khoẻ. Mà lạ một cái là tuổi trẻ lại ít người nghĩ tới chuyện phải rèn luyện thân thể. Tau hồi trẻ cũng vậy, ông nội bây kêu đi tập thể dục vào mỗi buổi sáng mà tau cứ nói dối hoài, đi cắm câu mà kêu là đi tập tạ. Hì hì …

Tôi đỏ mặt vì câu nói của ba tôi, tôi thừa biết từ lúc còn rất trẻ ba tôi đã đi bộ đội, còn ông nội tôi mất từ lúc chưa giải phóng thì làm sao có chuyện ông nội bảo ba tôi đi tập thể dục, mà thời đó là gì có phòng tập tạ mà tập. Không dừng lại ở đó, ba tôi bồi thêm:

- Nói dối nhiều khi sẽ làm hỏng một thế hệ.

Tôi len lén đi vào nhà để chuẩn bị đưa ba tôi đi ăn sáng. Hôm nay là thứ Bảy nên tôi được nghỉ, định sẽ làm “hướng dẫn viên” du lịch cho ba tôi nhưng ông từ chối, ông nói tự khám phá một mình cũng có cái hay của nó. Ông đã chuẩn bị đầy đủ bản đồ và các sách hướng dẫn cần thiết để đi tham quan. Ông mượn chiếc xe của tôi hàng ngày đi làm, không cần phải thuê xe và nói chiều ông sẽ quay về. Tôi nhét vào túi ông chiếc điện thoại di động của vợ tôi, để nếu ông có đi lạc thì ông sẽ gọi về hoặc tôi sẽ gọi nhắc chừng ông về sớm nhưng ông cũng từ chối. “Thiếu gì cách liên lạc mậy, số điện thoại của vợ chồng bây tao có lưu ở đây rồi”, ông nói câu đó và chìa ra quyển sổ trước khi cho xe chạy ra ngõ.

Đợi ông đi khỏi , tôi chạy ào vào nhà, bật máy tính, vào “gã khổng lồ Google” và gõ cụm từ “Thế giới phẳng”, hơn 20.000 mục có cụm từ mà tôi đang tìm hiện ra trên màn hình. Thật xấu hổ, một người tự cho là tiếp xúc với máy tính và internet thường xuyên như tôi mà lại không nghe nói gì về quyển sách nổi tiếng này.

Trưa hôm đó, tôi rủ vợ đi ra nhà sách mua vài quyển sách hay về kinh tế để đọc, có hai cuốn mà ba tôi nói tới hôm qua. Chúng tôi tạt ngang qua trung tâm tin học và ngoại ngữ để xem khi nào có lớp học mới. Không thể chờ cái “hứa hẹn” của Sếp để kéo dài thời gian “chuẩn bị về” của ông ấy nữa.

Trên đường về, chúng tôi ghé cửa hàng thể thao để mua đôi vợt về treo ở nhà, không phải để chứng minh với ba tôi rằng chúng tôi có “đang chơi” thể thao, mà bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ chơi thể thao. Thà chậm còn hơn không.

Trên khắp nẻo đường cờ xí rợp trời, một không khí “phấn khởi” – như lời ông Bush nhận xét về Việt Nam lúc này - ngập tràn cả thủ đô.

Tp HCM, ngày 20/11/2006

No comments: