Tuesday 9 January 2007

Mùa ngân hạnh rụng lá



Mọi chiếc lá đều rụng về cội,
Thời gian mãi trôi, dù ở thời đại nào, tình người vẫn đẹp


Tp. Bến Tre, những ngày cuối thu năm 2069.


Mấy hôm nay, vào mỗi buổi chiều, khi tiết trời bắt đầu se lạnh, người ta hay thấy một ông cụ khoảng 80 tuổi ra thắp nhang trên hai ngôi mộ ở khu nghĩa trang tại một vùng ven ngoại ô nằm ở phía bắc thành phố. Ông ngồi trầm ngâm ở đó cho đến khi trời bắt đầu sẫm tối thì chống gậy chầm chậm đi ra hướng đại lộ để về nhà.


Khu nghĩa trang thật yên tĩnh, khác hẳn với đại lộ ngoài kia lúc nào cũng tấp nập những chiếc ô tô phóng nhanh, bóp còi inh ỏi. Người ta đoán là ông cụ muốn thăm mộ người thân và nhân tiện thư giãn tinh thần. Nơi đây trồng thật nhiều cây ngân hạnh, loài cây du nhập vào Việt Nam những năm 2005-2006, nhưng đã được trồng phổ biến ở thành phố Bến Tre hiện nay. Không chỉ vì những chiếc lá vàng rơi mang vẻ đẹp lãng mạn khi vào mùa thu, mà còn vì một số lợi ích khác từ quả và thân gỗ của nó. Cứ mỗi độ thu về, trên các con đường lại tràn ngập sắc vàng. Những chiếc lá chưa khô hẳn mang dáng dấp như những bàn chân vịt rời thân cây và bay nhè nhẹ theo từng cơn gió. Lá vương trên nóc nhà, vương trên mui những chiếc ôtô đang đậu trú nắng ven đường, lên những mái tóc của các thiếu nữ và những chàng thanh niên đang tuổi vào yêu căng tràn sức sống.


Mọi người không rõ ông cụ là ai, từ đâu đến. Khi người ta hỏi, ông cụ chỉ mỉm cười thân thiện và trả lời rằng ông tên là Hoà, là bạn thân của hai người quá cố trong khu nghĩa trang này. Thấy ông cụ dễ mến nên mỗi lần gặp ông, người ta đều chào và mỉm cười với ông. Con cháu của hai người quá cố cũng thấy lạ là buổi sáng Chủ nhật vừa rồi, khi họ đến đây thì thấy nơi cắm nhang trên mộ của cha mẹ có thêm nhiều gốc nhang mới, có cả hai vòng hoa còn tươi nhưng họ nghĩ là có ai đó bà con gần xa với cha mẹ lại viếng thăm nên cũng không quan tâm nhiều.


Chiều nay, ông cụ lại ra nghĩa trang. Sau khi đốt nén nhang cho hai ngôi mộ và một vài ngôi mộ xung quanh, ông đến ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế đá bên một gốc cây ngân hạnh. Khắp nơi là một thảm lá vàng. Những cơn gió cuối thu se lạnh lâu lâu lại lùa những chiếc lá bay đi nơi khác, thì lập tức có những chiếc lá khác rụng xuống, lấp vào nơi chiếc lá trước vừa bị cuốn đi. Một chiếc lá vàng vô tình rơi xuống người ông. Ông cụ nhặt chiếc lá lên và nhìn nó mỉm cười. Chiếc lá cũng giống như đời một con người, cũng có tuổi thơ, thời xuân xanh và cuối cùng cũng trở về với đất. Có điều, vòng đời của chiếc lá ngắn hơn của con người. Nhưng mà phải như thế mới có các thế hệ chồi non mạnh mẽ hơn sinh sôi nảy nở, âu đó cũng là quy luật của tạo hoá. Một cơn gió lạnh thổi qua làm người ông cụ run lên, ông cất tiếng ho khùng khục rồi đưa tay quấn chặt thêm chiếc khăn choàng cổ lại.


Ông cụ đưa mắt nhìn về phía hai ngôi mộ nằm kề nhau. Đó là nơi yên nghỉ của hai người bạn, đúng hơn là hai người bạn thân nhất của đời ông. Nhưng cũng là hai người mà ông sợ phải đối diện nhất, bởi vì ông đã gây cho họ một lỗi lầm mà suốt đời ông không thể nào quên được.


Ông mơ màng nhớ lại những chuyện đã qua…..


Thuở bé, Hoà là đứa con duy nhất trong một gia đình khá giả nhưng thiếu hạnh phúc. Cha mẹ anh cứ hay cãi nhau, mỗi lần như thế, anh chỉ biết khóc mà không biết phải làm gì. Và bi kịch đã không ngừng xảy ra khi mẹ anh mất vì bệnh khi anh mới 12 tuổi. Cha anh lấy mẹ kế, mẹ kế lúc đầu cũng rất yêu quý anh, nhưng từ khi có em bé thì bà hay so đo và muốn mọi thứ sau này đều sẽ thuộc về đứa con riêng của mình. Cha anh có người cô ruột duy nhất bên Mỹ và hứa một ngày nào đó sẽ đưa gia đình ông qua bên đó sum họp, vì vậy lúc nào ông cũng mang tư tưởng đổi đời và làm mọi cách để có thể thực hiện được điều này.


Trong xóm, anh chơi thân với Nam và Thắm. Tụi nó là những đứa trẻ nghèo nhưng học giỏi và hiếu thảo. Tụi nó hay an ủi anh mỗi lần bị dì hoặc cha đánh đập, hất hủi. Những đứa trẻ còn lại trong xóm, nếu là con nhà giàu thì nhìn anh với ánh mắt khinh khỉnh, thương hại, còn những đứa nghèo thì không dám chơi với anh vì anh hay cộc cằn, nóng nảy. Chỉ có Nam và Thắm là hiểu tính của anh, anh nóng nảy nhưng là người sâu sắc, sống nội tâm và dễ bị tổn thương. Nhiều lần, sau khi bị cha đánh, anh lại chạy đi tìm hai người bạn thân và vùi mặt vào vòng tay họ mà khóc.


Lớn lên, khi vào cấp 3, anh Hoà đã trưởng thành hơn, đã hiểu được lý do tại sao cha lại thường xuyên cãi vã với mẹ anh và hay đánh đập anh. Đó là kết quả của những cuộc làm ăn thua lỗ, bị đối thủ giành lấy mất cơ hội, hay những chuyến hàng bị đánh thuế quá cao so với dự tính... Tuy rằng cha anh không ghét bỏ gì anh, cũng rất thương anh nhưng những lần ông biểu lộ tình thương không thể bù đắp được những trận đòn.


Anh trở nên già dặn hơn so với tuổi, tính tình lầm lì, ít nói. Tuy nhiên, trong con người khô cằn của anh cũng có nhiều mơ ước, trong đó, ước mơ lớn nhất của anh có lẽ là anh sẽ trở thành bác sĩ. Anh không muốn đi vào con đường của cha, công việc kinh doanh có lúc xuôi chèo mát mái, nhưng có lúc cũng sẽ gặp sóng to gió lớn. Do vậy với tính cách của anh - ít nhiều nhận được di truyền từ cha mình – sau này chắc cũng sẽ làm khổ vợ con như cha anh đã từng. Nghề nào cũng cao quý miễn nó mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng, nhưng có những nghề không phù hợp với một cá tính nào đó.


Còn cha anh thì không quan trọng việc này. Con người ta, lúc mạnh khoẻ thì nghĩ mình có thể làm được mọi thứ để nuôi sống bản thân và gia đình. Cha anh cũng vậy, ông nghĩ là với tài cán và sức lực của ông thì ông sẽ là cây đại thụ trong gia đình, mọi người cứ dựa vào đó mà sống, không được quyền phải từ chối những cái mà ông gọi là đặc ân. Ông cho rằng như vậy là quá đủ, mọi người còn đòi hỏi gì nữa?


Ngoài ra, cha anh cũng không để ý con ông đi theo học ngành nào là vì gia đình ông sẽ chuyển qua Mỹ, thì nếu anh có học thì cũng sẽ không đủ thời gian để anh có thể học hết đại học tại Việt Nam. Mà như vậy thì phí tiền, thà không học còn hơn.


Nhưng Hoà thì không nghĩ vậy, anh không muốn đi Mỹ, anh muốn theo học đại học và làm việc ở đây, trên chính quê hương của anh. Đêm nằm mà nghĩ đến chuyện đời mình từ nay phải gởi nơi xứ người, phải xa những cái quen thuộc của tuổi thơ, xa bạn bè, …. làm anh ứa nước mắt. Vì vậy, anh nhất quyết không đi, còn cha anh thì cố sức ép buộc và đang dồn hết tiền bạc, công sức để tiến hành mọi thủ tục cho chuyến đi.


Càng ngày tình bạn giữa anh Hoà, Nam và Thắm ngày càng khắng khít hơn. Cả ba đều mơ ước cùng vào trường Y. Anh Hoà xem Nam và Thắm là một phần không thể thiếu được trong cuộc đời của mình, anh sợ phải xa họ. Có lẽ tình cảm mà anh nhận được từ cha mẹ quá ít, thay vào đó là tình cảm san sẻ chân thành của hai người bạn nên anh cảm thấy như thế. Cho dù, anh cũng nhận thức được tình cảm bạn bè làm sao có thể so sánh với tình yêu thương của cha mẹ mình.


Cuối năm lớp 12, sau nhiều ngày cố gắng, cả ba người bạn thân đều đỗ vào đại học Y như mong đợi. Cha của Hoà nhất định không cho Hoà vào đại học mà phải chú tâm học ngoại ngữ vì chuyến đi Mỹ đã gần kề. Ông tuyên bố nếu Hoà không nghe thì ông sẽ không cấp tiền để Hoà sống ở Việt Nam cũng như đi học.


Hoà mang tâm sự của mình gặp hai người bạn trong ánh mắt ngấn nước. Nam và Thắm an ủi, khuyên Hoà nên suy nghĩ chín chắn, vì qua Mỹ định cư cũng là một cơ hội mà không phải ai cũng có được. Nói thế không phải chê quê cha đất tổ của mình, mà đó là một cơ hội, sau khi học thành tài thì quay về giúp đất nước còn nghèo cũng tốt vậy. Hoà nhất định không nghe, Hoà đã sợ lắm cái cảnh phải sống trong một gia đình không có tình thương. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người mà vật chất được đưa lên hàng đầu thì tâm hồn sẽ không khoẻ mạnh, sẽ dằn vặt, đau khổ suốt cuộc đời.


Khuyên Hoà mãi không được, cuối cùng ba người bạn quyết định là sẽ chung sức vừa học, vừa làm để kiếm tiền trang trải chuyện học hành và cuộc sống. Lúc đó cho dù cha Hoà vì giận con mà không chu cấp tiền hàng tháng thì cũng không lo, Nam và Thắm sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể. Việc làm bán thời gian cho sinh viên bây giờ không phải là khó tìm. Đa số các sinh viên hiện nay đều làm theo cách này, chứ không còn thụ động chờ hàng tháng ra bưu điện để nhận tiền từ cha mẹ nữa. Nhờ vậy mà khả năng của họ ngày càng cải thiện trong công việc và các mối quan hệ xã hội. Đó cũng là xu thế tất yếu của một xã hội phát triển, ai không theo kịp thì đương nhiên sẽ bị đào thải.


Tối hôm đó, Hoà lại có thêm một trận tranh luận căng thẳng với cha. Cha anh không còn đánh anh nữa vì dù sao anh đã lớn. Nhưng ông lại đập bàn ầm ầm bảo rằng tụi trẻ con thì nói gì không được, tưởng mình giỏi nhất thế giới hay sao mà muốn làm gì là sẽ làm được. Bản thân ông đã nhiều lúc muốn bỏ cả mạng sống của mình để có được cuộc sống như hiện nay thì một thằng nhóc con bơ bơ như Hoà sẽ làm gì để tồn tại mà còn đua đòi đi học với chả hành.


Hoà thì cho rằng cha mình chỉ đưa cái vật chất ra làm điều kiện để bắt anh đi chứ có bao giờ ông bảo Hoà đi vì ông cần tình thương của con cái, cần gia đình đoàn tụ đầm ấm,…. vì vậy, Hoà sẽ không đi. Bên cạnh cha còn có em Bình, người sẽ bên cạnh cha khi cha về già. Cha anh Hoà vẫn giữ lập trường ban đầu là ông chỉ muốn lo cho con cái đầy đủ, chứ ông có nghĩ gì đến bản thân ông. Buổi tranh luận kết thúc với một câu nói của cha làm Hoà thảng thốt:

- Đồ bất hiếu! Tụi thằng Nam và con Thắm sau này sẽ cưới nhau đó, mày dựa vào tụi nó được bao lâu?

- Con tự lo cho con được.


Tuy nói thế, nhưng Hoà bắt đầu phân tâm. Nam và Thắm sẽ cưới nhau ư? Không thể nào, họ là bạn tốt của nhau mà, cũng là bạn tốt của anh nữa. Buồn cười thật. Không có chuyện đó đâu. Không có!


Trong suy nghĩ của anh từ trước đến nay thì Hoà, Nam và Thắm là bộ ba không thể tách rời. Bộ ba này vĩnh viễn sẽ là một, không có sự thay đổi. Họ cưới nhau à? Sao lại cưới? Họ để ý nhau khi nào, bao giờ?


Trong đầu Hoà chợt nổi lên những suy nghĩ lung tung, nó ngọ ngoậy không thể nào lắng dịu xuống được. Anh cũng không biết mình đang suy nghĩ những gì, nhưng nói chung là anh không muốn Nam và Thắm cưới nhau. Lý do vì sao anh cũng chưa xác định rõ. Nó không phải là một sự ghen tuông, anh đâu có yêu Thắm, cũng như chưa từng yêu một cô gái nào. Mà hình như nó là một cảm giác hụt hẫng, giống như Hoà sẽ sắp mất mát một cái gì đó, cái đó thật lớn lao mà anh từ lâu vun đắp và ngưỡng mộ. Phải rồi, nó chính là tình cảm.


Vậy là họ bỏ rơi mình sao? Mình sẽ là gì trong mắt họ nếu họ cưới nhau, rồi ai sẽ là người để mình chia sẻ khi gặp chuyện buồn. Ai sẽ góp sức cùng mình đi làm thêm để trang trải cuộc sống và chuyện học hành?


Từ lâu, vì thiếu thốn tình cảm gia đình. Hoà đã xem Nam và Thắm là một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được của mình. Bây giờ khi nghe tin này, anh hoàn toàn sụp đổ. Mọi hi vọng và sự hi vọng của anh hoàn toàn tiêu tan. Suốt đêm anh không ngủ để chờ sáng hôm sau gặp Nam và Thắm hỏi cho ra lẽ. Mười tám tuổi, vâng, cái tuổi mà con người ta nghĩ là mình đã trưởng thành, nhưng vẫn còn đó những suy nghĩ thật ngây thơ và không chín chắn.


Sáng hôm sau, anh gặp Thắm trên một đoạn đường vắng lúc Thắm đi chợ về. Thấy Hoà, Thắm dừng xe lại:

- Hoà đi đâu sớm vậy?

- Hoà muốn hỏi Thắm một chuyện?

- Chuyện gì vậy Hoà? – Thắm xoe tròn đôi mắt khi thấy thái độ của Hoà không giống mọi hôm.

- Nam và Thắm sẽ cưới nhau à?

Thắm ửng hồng hai má:

- Ờ, ơ, sẽ, nhưng mà chưa đâu, khi tụi mình ra trường mới tính.

- Sao mọi người lại lừa dối tôi? – Hoà thét lên.

Thắm đang cười e ấp bỗng giật mình vì câu nói của Hoà, trong khi Hoà vẫn đỏ mặt:

- Không có chuyện đó được!


Nói xong, Hoà chồm tới ôm chặt lấy Thắm. Đầu óc anh sắp nổ tung, anh cũng không biết mình đang làm gì, chỉ biết là mình phải làm cái gì đó để mong chia đôi mối tình này ra.


Thắm thảng thốt chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, cố hét lên và vùng vẫy để thoát khỏi bàn tay của Hoà. Nhưng Hoà vẫn ghì chặt lấy Thắm và hôn vào mặt Thắm. Đến lúc nghe Thắm khóc lên nức nở thì Hoà chợt bừng tỉnh và buông Thắm ra. Anh đứng trân trân nhìn Thắm đang ôm mặt gục đầu vào gốc cây bên đường. Sau đó anh bỏ chạy thục mạng về nhà mà không nói một lời nào.


Về đến nhà, anh nằm vật ra giường và bắt đầu ân hận vì hành động dại dột của mình. Mấy lần định nhổm dậy gặp Nam và Thắm để nói lời xin lỗi nhưng anh không đủ tự tin để làm việc đó. Thắm sẽ đau khổ mà ôm nỗi đau này trong lòng hay sẽ kể cho Nam nghe, rồi Nam sẽ qua nhà Hoà mà đánh Hoà cũng nên. Không, Nam sẽ không làm như vậy, Nam vốn hiền lành và bao dung. Chỉ có mình là ngu muội và hồ đồ mà thôi. Sao mình không gặp Nam để nói mà trời xui đất khiến chi mình lại gặp Thắm? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không nghe hoặc không quan tâm đến tiếng khóc của Thắm? …..


Hoà nằm trong phòng cả ngày hôm đó để tự dằn vặt mình. Anh không thiết gì chuyện ăn uống. Cha anh thấy thế cũng không cho đó là việc quan trọng và ông nghĩ là anh đã đổi ý nên cũng không hỏi thêm gì.


Một tháng sau Hoà cũng chưa dám bước ra khỏi nhà. Nam và Thắm cũng mấy lần qua tìm Hoà để bàn về kế hoạch đi học nhưng anh cố tình tránh mặt, cha của anh cũng không mặn mà gì với chuyện này nên cũng tìm cách gạt ngang, thậm chí xua đuổi hai người về. Ngày Nam và Thắm khăn gói lên Thành phố Hồ Chí Minh học, Hoà đứng trong phòng nhìn theo mà nước mắt rơi lã chã. Chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ mà mình đã hành động dại dột để đánh mất đi những người bạn chân thành mà cả đời mình không thể tìm lại được. Rồi những mơ ước, những dự tính cho tương lai... đều sụp đổ tan tành. Hoà nhìn theo cái dáng dịu dàng quen thuộc của Thắm, cái lưng gầy gò của Nam cho đến khi họ khuất sau bụi tre đầu ngõ. Trong lúc ấy, Hoà còn kịp nhìn thấy hai người bạn của mình quay đầu lại nhìn về hướng của anh như thay cho một lời chia tay.


Từ hôm ấy, Hoà làm theo lời cha như một cái máy. Mọi thủ tục cha anh đã lo xong, chỉ còn chờ ngày lên đường.


Rồi ngày đó cũng tới, hàng xóm lại chúc mừng và đưa tiễn gia đình anh. Ở đây, anh không còn ai thân thuộc cả, cho nên miếng đất và căn nhà cha anh cũng bán lại cho những người hàng xóm. Lọ hài cốt của mẹ cũng được anh cẩn thận lên chùa xin về rồi mang theo trong giỏ hành lý. Khi qua phà Rạch Miễu, anh nhìn thật kỹ quê hương thân yêu để cho những hình ảnh thân thương sẽ mãi in đậm trong đầu óc của mình. Những rặng dừa xanh bát ngát, dòng nước đục ngầu mang nặng phù sa đang vỗ về những cây bần mọc lấn xuống triền sông. Kia là cây cầu Rạch Miễu đang xây dựng dở dang vươn mình trên không trung... Anh kéo nón xuống che mắt để mọi người không nhìn thấy anh đang khóc. Xin chào tất cả, chuyến đi này không biết bao giờ sẽ có dịp quay về.

*




Thời gian đầu khi sang Mỹ định cư, cuộc sống của gia đình anh gặp vô cùng khó khăn. Công việc kinh doanh của cha anh bị gián đoạn vì không phù hợp với môi trường mới. Ba người còn lại trong gia đình thì chỉ quen ăn bám vào cha nay cũng không có việc gì làm và trở thành một gánh nặng cho ông. Mọi việc không an nhàn như người ta tưởng. Ở đây, có làm thì mới có ăn, chính phủ có trợ cấp nhưng cũng chỉ phần nào. Cuối cùng thì mọi người cũng tìm được việc làm để có thu nhập đủ trang trải chi tiêu trong nhà. Riêng anh, vẫn không từ bỏ ước mơ của mình là trở thành một bác sỹ, cho nên anh cố gắng dành dụm vừa học vừa làm, cuối cùng cũng tốt nghiệp bác sỹ ở cái tuổi 38.


Vậy mà đã hơn 60 năm trôi qua, công việc dù tất bật nhưng trong ông vẫn nau náu một mong ước được trở lại quê nhà. Ông không lấy vợ mà xin một đứa con gái nuôi khi ông bước qua tuổi 50. Về thăm quê lần này, con gái của ông không sắp xếp về cùng ông được. Con gái ông cũng là người gốc Việt nên hai cha con ông dự định là nếu không có gì trở ngại, hai người sẽ về hẳn nơi chôn nhau cắt rốn của mình để định cư trong một ngày gần nhất. Những người bạn của ông chắc bây giờ cũng không nỡ nào trách ông nữa. Còn ông vẫn thiếu họ một lời xin lỗi, dù muộn màng. Ngày xưa khi còn trẻ, ông không đủ tự tin để làm việc này, còn bây giờ, nếu không nói ra thì sẽ mãi mãi không còn cơ hội nào nữa cả.


Hôm máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bến Tre. Qua cửa kính của máy bay còn thấp thoáng bóng mây, dù mắt không còn nhìn rõ nữa nhưng ông thật sự ngỡ ngàng với cảnh vật phía dưới. Những ngôi nhà cao chọc trời, rất nhiều những cây cầu hiện đại bắc qua sông nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre, cho nên ông không phân biệt được đâu là vị trí của cây cầu Rạch Miễu năm nào còn dang dở. Hành khách ngồi kế bên cho hay là thị xã Bến Tre đã trở thành thành phố và mở rộng gấp nhiều lần so với cách đây 50 năm. Châu Thành, Mỏ Cày là một trong những thành phố vệ tinh xung quanh. Các con đường bộ nối liền Bến Tre với Trà Vinh và Vĩnh Long tạo điều kiện cho đường về miền Tây rút ngắn hơn. Bến Tre đã có sân bay quốc tế, có cảng và tàu điện ngầm hoạt động suốt ngày đêm, xe ô tô là phương tiện giao thông chính. Đúng là một giấc mơ. Xa xa, dừa vẫn còn trồng xanh ngát cả một vòng đường cong của quả đất, nơi khuất xa tầm nhìn. Khi máy bay hạ thấp xuống một chút, ông nhìn thấy trên đường phố ngập tràn một sắc vàng của cây một loài cây, mà sau này ông biết là cây ngân hạnh – loài cây rụng lá vàng, báo hiệu trời đất đã vào mùa thu.


Thật khó khăn khi tìm ra nơi ở cũ của ông nếu không nhờ cây bàng cổ thụ, mọi thứ xung quanh đều thay đổi, nhưng cây bàng thì không thay đổi bao nhiêu. Dưới cây bàng có cái miếu thờ thần rắn mà hồi nhỏ bọn trẻ tụi ông không bao giờ dám bén mảng tới vào buổi tối.


Ông hỏi thăm một vài người xung quanh về những người bạn của ông, đa số họ đều không ai biết Nam và Thắm là ai, khi ông hỏi thêm hai vợ chồng đều là bác sỹ thì mới có người chợt nhớ đây là ông bác sỹ Nam nổi tiếng làm ở bệnh viện đa khoa thành phố mấy năm về trước. Nhưng nghe đâu hai vợ chồng đã mất cách đây mấy năm rồi, hiện mộ phần đặt trang trọng trong nghĩa trang mới ở khu ngoại ô thành phố. Như vậy là sau khi tốt nghiệp đại học, hai người bạn của ông đã quay về để phục vụ cho quê nhà. Đó cũng là xu hướng mới của những trí thức thời đó khi có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài của các cấp lãnh đạo tỉnh nhà, với nỗ lực biến Bến Tre từ một thị xã vùng sâu trở thành một thành phố hiện đại trong khu vực. Thế giới đã “phẳng” từ lâu theo cách nói của Thomas L. Friedman - tác giả hai quyển sách nổi tiếng “Chiếc xe Lexus và cây ôliu” và “Thế giới phẳng” của những năm đầu thế kỷ 21, cho nên vấn đề ngồi ở đâu để làm việc trong thế giới này cũng không quan trọng bằng việc người ta có thu nhập cao, ổn định và có cơ hội phát huy tài năng của mình trong các mối siêu liên kết toàn cầu. Huống hồ chi Thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Bến Tre lúc đó chỉ cách nhau chưa đầy 100 km. Ông Hoà cũng buồn vì mình đã không tận dụng được những lợi ích đó để phục vụ cho quê hương, chỉ vì cái mặc cảm và cái tự ti quá lớn của mình.


Nghe mọi người kể về những người bạn, ông Hoà lấy khăn ra lau vội dòng nước mắt. Vậy là cuối cùng ông cũng không gặp được họ để nói lên lời xin lỗi muộn màng. Họ ra đi mà không biết được lý do của cái hành động dại dột của ông lúc trước, nghĩ tới đó ông chợt khóc lên thành tiếng. Những người dân tốt bụng dìu ông vào nhà, ông nhận mấy câu an ủi chân thành và một tách trà nóng rồi xin phép đi về.


Hôm nay, ông lại được ở gần hai người bạn thân như mọi hôm. Ngày mai ông phải lên máy bay để về Mỹ. Vì cô con gái không yên tâm khi ông ở một mình ở đây nên đã đặt vé cho ông rồi. Nước mắt của ông lại đầm đìa trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Ông lại lên cơn ho khùng khục. Con gái ông đã khuyên ông nên chờ cô ấy sắp xếp cùng về để có người chăm sóc cho ông nhưng ông không nghe, ông muốn về đúng cái thời điểm mà cách đây 63 năm ông đã rời quê hương ra đi. Vả lại, nếu còn chần chờ mãi thì sức khoẻ biết đâu cũng không chờ ông được. Rồi những người bạn của ông, biết đâu nay họ còn khoẻ, nhưng mai thì đau ốm bất ngờ. Sức khoẻ tuổi già là vậy, như đèn dầu leo lét trước gió.


Vậy mà họ đã ra đi trước khi ông kịp quay về để nói lời xin lỗi. Những lời xin lỗi bây giờ còn có ý nghĩa gì nữa. Chắc có lẽ là đợi đến khi gặp nhau ở thế giới bên kia. Ông thều thào trong tiếng nấc:

- Nếu hai bạn linh thiêng, có tha thứ cho tôi thì hãy khoan, chờ tôi với, kẻo đi đầu thai thì tôi không còn gặp hai người được nữa. Sang kiếp sau biết đâu mà tìm? Làm sao tôi nói lên lời xin lỗi đây... Năm sau chúng tôi sẽ dọn về đây để sẽ mãi gần hai bạn...


Ông nói thế nhưng cũng không biết có kiếp sau hay không. Việc đó khoa học vẫn chưa giải thích được thấu đáo. Vì có ai chết đi sống lại để kể về cuộc sống sau cái chết đâu. Mà nếu có thì các nhà khoa học lại cho rằng đó chỉ là ảo giác phát sinh từ các tế bào não, chứ không tin vào những bộ não đã không còn hoàn toàn khoẻ mạnh sau lần chết hụt kia. Nhưng không hiểu sao những người già như ông lại càng lúc càng tin có thế giới bên kia, con người chết đi không phải là hết. Đôi khi ông cũng có cảm giác gặp lại những người thân đã khuất của mình, gặp ông bà – những người ông chưa từng biết mặt, gặp lại cha với ánh mắt nghiêm khắc quen thuộc và những lời trăn trối của ông lúc sau cùng là muốn được sống ở quê nhà. Những cảm giác đó không phải là thực nhưng cũng không hẳn là mơ, nhưng nó là dấu hiệu báo trước cho ông biết ngày ra đi của ông sẽ không còn xa nữa, dù cho ông vẫn khoẻ mạnh với cái tuổi 81.


Chiều nay lạnh hơn mọi hôm, hay trong người ông cụ không được khoẻ mà sao ông lại cứ húng hắng ho mãi, chắc do chưa thích nghi kịp với sự thay đổi đột ngột của khí hậu. Thời tiết mọi năm lúc này ở bên Mỹ còn lạnh gấp nhiều lần hơn so với ở đây, nhưng ông vẫn cảm thấy lạnh. Ông chậm rãi đưa tay vào túi lấy mấy viên thuốc mà con gái ông dặn dò kỹ lưỡng là phải mang theo bên mình kẻo lên cơn ho thì không có ai kế bên chăm sóc. Và cô sẽ gọi điện nhắc nhở và hỏi thăm ông thường xuyên. Tìm mãi không thấy mấy viên thuốc. Ông chợt nhớ ra là lúc sáng ở khách sạn, ông đã thay áo khoác mà quên bỏ bịch thuốc sang chiếc áo ông đang mặc. Lúc này đầu óc lại quên trước quên sau rồi.


Ông định đứng lên đi về khách sạn để lấy thuốc uống cho dứt cơn ho thì bỗng một cơn gió lạnh thổi tới. Những chiếc lá cuối cùng trên những cành cây khẳng khiu lắc lư, một vài chiếc rơi xuống. Thấp thoáng trong những cánh lá vàng bay xào xạc ông chợt thấy có dáng của hai người đang đi tới chỗ ông ngồi. Họ mỉm cưới với ông. Ông cũng mỉm cười đáp lại. Một người phụ nữ có dáng đi thong thả với mái tóc dài phất phơ, một người đàn ông ốm mảnh khảnh với vẻ mặt phúc hậu. Họ ngồi xuống bên ông:

- Anh Hoà thấy người khoẻ không?

- Nam và Thắm đó à? – Ông thoáng vẻ vừa sợ vừa vui mừng, sợ vì không hiểu sao hai người lại có mặt ở đây, mừng vì mong ước gặp mặt hai người bạn thân của ông đã được toại nguyện – Tôi khoẻ, không sao đâu.


Rồi ông khóc, ông không ngần ngại vùi đầu vào vòng tay của hai người bạn như thuở còn thơ bé:

- Tôi xin lỗi, ngàn lần xin lỗi, tôi tôi …

- Không sao đâu anh Hoà ơi!– Người đàn ông nói – chúng tôi hiểu anh mà.


Người phụ nữ tiếp lời:

- Lần đó tôi có kể cho anh Nam nghe đầu đuôi câu chuyện. Anh Nam bảo tôi rằng có lẽ Hoà sợ mất đi tình bạn nên mới hành động vậy thôi, chứ không có ác ý gì đâu.

- Sau đó chúng tôi tìm mọi cách liên lạc với anh mà không được. Với lại, chúng tôi nghĩ nếu để anh đi nước ngoài thì biết đâu tốt cho anh thì sao. Nhưng chúng tôi cũng ân hận mãi là không biết làm cách nào để cho anh biết là chúng tôi không giận anh. Để cho anh tuổi tác thế này mà còn cố gắng tìm về đây để nói lời xin lỗi nữa.


Ông Hoà ngước đôi mắt nhoè đi vì nước mắt nhìn Nam và Thắm, họ vẫn trẻ và vẫn có dáng vóc như ngày nào. Sao lại như vậy, ông đang nằm mơ chăng? Nam và Thắm vẫn nhìn ông vẻ thông cảm. Ông mỉm cười rồi nói:

- Tôi chỉ chờ có bấy nhiêu đó thôi, giờ thì mãn nguyện lắm rồi. Cảm ơn… ơn…


Ông Hoà lại sụt sùi như một đứa trẻ. Giờ thì có chết ông cũng không ân hận chút nào nữa. Nam và Thắm vẫn bao dung, độ lượng, hiền hoà. Có phải vì thế mà họ mới có một gia đình hạnh phúc, con cái hiếu thảo không? Ông xúc động vì tâm tư dằn vặt của mình đã được giải thoát.


Bỗng cảm thấy hơi khó chịu trong người, ông Hoà bèn đưa tay vào túi để tìm mấy viên thuốc, nhưng không thấy đâu cả. Ông chợt nhớ là lúc nãy mình đã nói là quên mang theo mà…. Đầu óc lại lẩm cẩm nữa rồi …..Đúng lúc đó ông nghe như có tiếng chuông điện thoại reo lên, chắc là của cô con gái, ông mỉm cười vì sự lo lắng quá đáng của cô. Lại khuyên ông quay về Mỹ sớm đây mà. Suốt từ hôm ông về Việt Nam, mỗi ngày cô đều gọi cho ông ít nhất hai lần, hôm nay là thứ sáu nên ông muốn ngồi lại với bạn ông lâu hơn một chút. Chắc cô cũng sẽ vui khi nghe ông kể lại chuyện này cho mà xem. Nhưng ông chợt cảm thấy mình khoẻ hẳn ra, người nhẹ như không. Hai người bạn nãy giờ vẫn ngồi bên cạnh ông, họ vẫn nhìn ông mỉm cười. Ông cũng mấp máp môi cười đáp lại ….

Sáng sớm hôm sau, người ta phát hiện xác của một ông cụ nằm trên ghế đá của khu nghĩa trang. Ông đã tắt thở như trên môi vẫn còn giữ một nụ cười mãn nguyện, tay phải nắm chặt chiếc điện thoại còn nằm trong túi áo. Chắc ông bị cảm lạnh tối qua và đã cố gắng gọi điện cho một ai đó nhưng không kịp. Xung quanh ông chỗ ông nằm, lá vàng phủ đầy, những chiếc lá ngân hạnh cuối cùng của một mùa thu se lạnh.


TP. Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2006


Nguyễn Văn Tâm A

No comments: