Tuesday 9 January 2007

Mai vàng nở sớm






Bà Sáu không biết WTO, toàn cầu hoá, ….. là gì và chúng tác động đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như thế nào
Nhưng bà biết rằng
những tình cảm mà các con dành cho bà hiện nay
không bằng những tình cảm mà chúng đã dành cho bà như những ngày trước.
-----------

Bà Sáu chậm rãi xách từng thùng nước có gắn vòi hoa sen để tưới cho những luống hoa vạn thọ đón Tết mà bà trồng hai bên lối đi dẫn vào nhà. Mỗi lần bà chỉ dám múc lưng thùng nước, xách nặng thì thằng Ut nếu biết nó sẽ cằn nhằn suốt cả ngày như những bận trước. Hôm nay là Rằm tháng chạp, con nước sớm lên cũng mấp mé bờ ao nên bà đỡ nhọc hơn những buổi trước. Mới sáng nhìn chưa tỏ mặt người mà từng cơn gió chướng đã lồng lộng thổi, cái lạnh của hơi sương buổi sớm làm da tay bà khô khốc, buông buốt khi chạm nước.

Công việc trồng hoa, tưới nước và chăm sóc chúng hàng năm là của thằng Ut, từ khi nó lên thành phố học Đại học thì chuyển sang cho ông Sáu. Nhưng ông Sáu đã bỏ bà cách đây mấy tháng để theo ông bà sau một cơn bịnh suyễn. Năm nay bà Sáu phải tự tay trồng những luống hoa vạn thọ, màu gà và cúc. Chủ yếu để con cháu về quê có không khí ba ngày Tết chứ năm nay gia đình bà chắc cũng không cảm thấy vui vẻ gì. Những hạt giống lựa từ những bông hoa nở đều và đẹp của năm trước ông Sáu phơi khô và buộc chúng lại cẩn thận treo trên gian nhà bếp, để dành cho năm sau. Nhưng ông đã về với đất trước chúng. Những hạt giống này sau khi gieo xuống đất sẽ mọc thành cây, nở hoa, khoe hương sắc, … chúng đem cho người ta niềm vui và hi vọng một năm mới An khang Thịnh vượng. Còn khi ông Sáu nằm xuống thì để lại cho gia đình một nỗi buồn riêng tư mà bà Sáu không biết chia sẻ cùng ai.


Ông bà Sáu có ba đứa con. Cả ba hiện nay đều đang sống ở Sài Gòn. Thằng thứ hai tên Thành có vợ ở đó, con gái thứ ba tên Mai thì chồng ở Vĩnh Long nhưng cũng lập nghiệp ở Sài Gòn, còn thằng Ut Nhật– sinh sau chị Ba nó gần 9 năm - đang học Đại học Kinh tế năm thứ hai. Tuy có ba đứa con nhưng cuối cùng hai ông bà vẫn như chưa có đứa nào kể từ khi thằng Ut cũng nối gót theo anh chị nó lên Sài Gòn đi học. Ba đứa con của ông bà rất ngoan hiền và học giỏi, cả ba đều đỗ đại học ngay năm đầu. Hàng xóm ai cũng khen ông bà có phước.


Ông Sáu phát hiện mình bị bệnh hen xuyển từ khi bà Sáu sinh ra thằng Ut. Bệnh tình của ông càng trầm trọng khi tuổi tác mỗi ngày càng lớn. Đã hai lần ông tím tái cả người vì nghẹt thở nhưng may mắn là được cứu sống vì được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện kịp thời. Tụi nó dặn dò kỹ lưỡng là ba má không cần phải làm gì cả mà phải chăm sóc lẫn nhau, má còn khoẻ hơn ba thì để ý sức khoẻ của ba nhiều hơn. Ngoài mấy liếp dừa tới tháng nhờ người tới mua bẻ trái khô dùm, ông bà còn hai vườn nhãn đang tuổi ra trái, có thiếu hụt trong chi tiêu thì tụi nó sẽ gởi tiền về. Nếu hai ông bà không nghe thì tụi nó sẽ giận và không thèm về thăm nhà nữa.


Ông bà biết tụi nó thương ông bà mà nói thế, chứ tụi nó xa cha mẹ thì cũng nhớ vậy. Thằng Ut tối cái hôm xa nhà lần đầu tiên cứ khóc thút thít với chị nó, nằng nặc đòi về. Còn thằng Hai và con Ba thì cũng không khá hơn, những ngày mới lên Sài gòn trọ học, tụi nó bảo buổi tối không thể nào chợp mắt được vì nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ từng cái ổ gà, cái mô đất hoặc vũng sình trên đường đi từ con lộ lớn dẫn vào nhà. Ông bà đọc thư tụi nó gởi về mà nghe đứt cả ruột gan.


Tâm lý người nông dân suốt ngày “ở không” sẽ không chịu nổi. Thời gian đầu hai ông bà cố gắng nghe lời tụi nhỏ, không làm gì cả. Nhưng riết rồi thấy con người mình hình như sống thừa thải, tay chân cứ vụng về. Nên bà cho xây lại chuồng trại nuôi heo, còn ông thì tìm giống cây cacao trồng xen vào mấy chỗ trống trong vườn dừa. Thời gian còn lại ông chăm mấy chậu kiểng, trồng rau và làm những chuyện lặt vặt khác.


Mấy lần thằng Ut về thăm nhà, khi trở lên nó mách lại với anh chị nó. Thằng Hai và con Ba gọi điện về trách bà Sáu rất nhiều và nói một ngày nào đó sẽ về “xử lý” đàn heo và mấy cây cacao của ông bà. Hai đứa tụi nó đã có em bé nên thời gian gần đây cũng ít về thăm nhà như lúc trước, phần vì công việc lu bu – như lời tụi nó nói – phần vì nếu muốn về thì phải mang em bé theo. Dù rất thương con và nhớ cháu nhưng hai ông bà cũng tự an ủi là phải thông cảm cho con vì mỗi lần đi xa về thì mấy đứa nhỏ lại bị bệnh. Nên nếu có nhớ tụi nó thì ông bà gọi điện thoại, hoặc thay phiên nhau khăn gói lên thăm. Thằng Ut thì thời gian có thoáng hơn anh chị nó nên lâu lâu lại chạy xe máy về vào tối thứ Bảy, chiều Chủ nhật lại lên, mang theo vài trái bưởi, trái mít hoặc mấy trái bầu xanh ông Sáu trồng trên giàn ngoài sàn nước.


Nhờ bỏ uống rượu, hút thuốc mấy năm nay và uống thuốc đều đặn nên sức khoẻ ông Sáu đã tạm ổn định, tuy cũng vài lần phải nhập viện. Bệnh của ông như giả đò, lúc bình thường thì khoẻ khoắn, nhưng khi lên cơn thì như sắp chết đến nơi. Một tháng ông phải một lần đến bệnh viện và nằm lại một hai hôm nếu cần để kiểm tra sức khoẻ.


Hôm đó ông đang ở ngoài vườn để vun gốc cho mấy cây cacao thì trời bất thần đổ một cơn mưa rào giữa lúc đang nắng, bệnh của ông kỵ nước lạnh cho nên ông rất cẩn thận đề phòng. Nhưng khi ông chạy tới gian bếp sau nhà thì cả người đã ướt mèm. Bà Sáu lật đật bỏ tay đang trộn rau dỡ cho mấy con heo để lấy dầu thoa cho ông và đun nước cho ông lau mình. Đến tối, thấy trong người không được khoẻ nên ông gọi bà dậy để kêu xe ôm chở ông đi bệnh viện.


Tại bệnh viện, sau hai lần phun thuốc trực tiếp qua đường hô hấp, ông đã thấy tỉnh hẳn, định sáng mai rủ bà trứơc khi về nhà sẽ ghé chợ mua cho thằng Ut thêm mấy cái quần kaki để nó mặc đi học, lần trước nó về ông thấy cái quần nó đang mặc bạc hết hai bên mông. Đến khuya, ông lại thấy khó thở, bà Sáu hốt hoảng đi xin thêm một ống thuốc về phun cho ông. Lúc bà Sáu đang chụp ống phun thuốc vào mặt thì ông chợt vung tay lên gạt cái ống ra, la to:


- Chắc chết rồi, khó thở quá.


Bà Sáu khuyên ông:
- Ông ráng lên, lấy ra sẽ không thở được.


Nhưng lúc đó thì bà thấy ông đã tím tái và ngưng thở. Bà hốt hoảng hét lên gọi bác sĩ trực đến. Các Bác sĩ và y tá chạy đến và cố tìm mọi cách giúp ông thở lại và sau đó chuyển đi bệnh viện tỉnh nhưng không kịp.



Sau đám tang của ông Sáu, ngày tụi nhỏ trở lên Sài Gòn, bà Sáu lại khóc. Dù thằng Hai và con Ba không nói ra nhưng bà Sáu nhận thấy trong ánh mắt của những đứa con có vẻ trách móc bà rất nhiều. Căn nhà vốn vắng vẻ nay lại trống huơ trống hoác, gió lùa vào từng cơn. Bà bán đi bầy heo khi mà giá đã rớt xuống thê thảm vì đợt có dịch lỡ mồm long móng gia súc. Những đứa con của bà lại quay về với cuộc sống bận rộn quen thuộc, còn bà thì hằng ngày cứ lặng lẽ hết đi ra rồi đi vào trong sự thương chồng, nhớ con trông cháu.

Cuộc sống tụi nhỏ hình như ngày càng quá bận rộn đến nỗi tụi nó ít gọi điện về cho bà như lúc ông Sáu còn sống. Khi bà nhớ cháu thì gọi lên hỏi thăm, tụi nó cũng thăm hỏi bà qua loa rồi cúp máy. Thằng Ut kỳ rồi về đòi ra ở riêng, không chịu ở chung với chị Ba nữa. Nó nói với bà là dạo này anh chị Ba hay cãi nhau vì lý do không đủ tiền bạc trang trãi, nên nó không muốn làm khó cho anh chị nữa. Nó nói nó đã tìm được việc làm thêm bên ngoài nên có thể tự lo cho bản thân được.
Nhìn ánh mắt còn chút ngây thơ trong khuôn người vạm vỡ mới lớn của thằng Ut, bà thấy nó thật tội nghiệp. Bà muốn gọi điện lên cho con Ba nhưng không biết phải nên nói thế nào. Thằng Út còn hí hửng khoe đợt rồi ông Bush – nhân chuyến qua Việt Nam tham dự Apec gì gì đó – có tới ăn ở cái quán mà nó đi làm bán thời gian buổi tối nên nó có dịp nhìn thấy mặt ông ấy. Nó mơ ước nó cũng sẽ giỏi như ông. Nó bảo vì mới đi làm thêm nên nó xin tiền bà để sắm cái di động và từ đây đến Tết chắc nó ít về thăm nhà. Bà khuyên nó không nên ra ngoài ở vì bà sợ nó dễ hư hỏng, hay là qua ở với anh Hai. Nhưng nó bảo bên anh Hai còn có em của chị Hai ở chung nên rất chật chội, nếu có ráng thì chắc cũng qua Tết nó sẽ dọn ra ngoài. Bà Sáu chỉ thở dài mà không biết phải làm sao.


Hôm nay đã là 15 tháng chạp âm lịch. Là ngày phải lải lá mai để nó kịp trổ bông đúng ba ngày Tết. Tết năm rồi thằng Ut được nghỉ sớm sau kỳ thi nên ngày này năm trước nó đã về rồi. Nó cùng ông Sáu bắt ghế ra sân lải lá mai, hai cha con vừa làm vừa nói chuyện huyên thuyên. Hàng mai này, ngoài cây mai cổ thụ của ông Sáu trồng khi còn trẻ, thì những cây còn lại là của thằng Ut trồng lúc nó học lớp 7 lớp 8 gì đó. Không biết nó đọc sách hay nghe kể lại ở đâu mà thấy cái cảnh một anh hùng nào đó lạc trong vườn mai có cánh rơi lả chả, gặp được một nàng tiên, nên nó cũng lặn lội hết mấy liếp vườn nhà để bứng gốc những cây mai con về trồng một hàng trước nhà. Thằng Ut có cái tật hay nói bâng quơ, hôm đó nó nói với mấy cây mai thế này:


- Tụi bây nhớ ra bông đúng lúc mùng một Tết để mấy đứa cháu tao về chụp hình nghe.


Mấy cây mai cũng không phụ lòng của nó nên Tết hôm đó nguyên hàng trước nhà nở rộ, ai đi ngang cũng khen đẹp và bảo năm nay nhà ông bà Sáu sẽ gặp may mắn. Thằng Hai có mang máy về chụp nhiều tấm hình thật đẹp cho cả nhà ở bên hàng mai và mấy luống hoa.


Sau buổi cơm sáng, bà Sáu xách cái ghế đẩu ra mấy gốc mai để lải những cái lá phía dưới thấp. Mấy cái lá trên cao chắc phải nhờ thằng Lam xe ôm hàng xóm qua lải dùm. Năm nay hơi lạ so với mọi năm, những bông mai gặp gió chướng nên đã nở rộ mà không chờ ba ngày Tết, có lẻ năm nay nhuần hai tháng bảy nên mới như vậy. Những cánh hoa mỏng manh còn hơi sương đọng lại thơm ngát, mấy con ong vo ve tìm mật. Những con gà cũng cố nhón chân lên để mổ những bông hoa dưới thấp.


Bà Sáu nhớ lại mấy năm trước, khi con Ba còn nhỏ, nó trèo tuốt lên cây mai to, dạng chân ra bứt từng chiếc lá thải xuống đầu thằng Ut đang đứng bên dưới. Thằng Ut lúc đó còn nhỏ nên chị nó không cho trèo cao mà phải đứng lải những nhánh thấp, vì vậy nó tức lắm. Con Ba Tết năm nào cũng làm mấy bông hoa để chưng trên bàn học, nó lấy mấy cái ruột của cây mỳ phơi khô rồi dùng cái chai ép lại, sau đó cắt nhỏ từng miếng nhét vào một cái ruột mỳ khác, cuối cùng nhúng vào nước màu cho nở xoè cánh ra, trông cũng đẹp. Nó dùng một nhánh cây chanh hoặc quýt khô có gai để cắm những cái bông vào. Thằng Ut chờ chị nó làm xong, đứng từ xa chổng mông thổi hơi lại làm rụng hết mấy cánh bông để “trả thù” cái việc bị chị nó thả lá mai lên đầu. Con Ba rượt theo thằng Ut chạy vòng vòng quanh mấy gốc mai mà không túm được nó, la toáng lên cả một góc sân.
Nơi mấy cây mai mà thằng Ut trồng lúc trứơc là một hàng so đũa. Thời đó dưới quê còn nghèo lắm, đất thì chưa lên liếp trồng dừa mà chỉ toàn trồng lúa, sau đó là trồng mía, nên chẳng có cây trái gì để ăn. Thằng Hai thường hái mấy trái so đũa sắp già xuống, gỡ hột ra để lấy cái miếng dai dai màu trắng đục bên trong nhấm nháp. Hoặc nó lấy trái gòn khô, đốt một đầu cho cháy, lữa cháy tới đâu hột sẽ chín và rơi ra, cứ thế mà lượm lên ăn. Lần đó nó dùng cái lưỡi hái cắt lúa cột vào đầu một cây trúc để hái mấy trái so đũa, vì cột không chặt nên cái lưỡi hái rớt xuống trúng ngay trán chảy máu. Nó không dám khóc vì sợ bị đòn, chạy tới bên bụi sống đời, ngắt vài lá nhai nát rồi đắp lên trán cầm máu. Bây giờ cái trán nó vẫn còn dấu thẹo.


Sau lần đó ông Sáu cho đốn sạch mấy cây so đũa, làm cái hàng rào bằng nhánh tre khô, thả cho mấy dây mồng tơi bò lên nơi đó cho đến khi thằng Ut bứng mấy cây mai về trồng mới bỏ cái hàng rào đi.


Đang suy nghĩ miên man thì bà Sáu chợt nghe có tiếng xe máy đỗ xịch trước nhà. “Ai giống thằng Ut”. Bà Sáu mừng rỡ lồm cồm bứơc xuống chiếc ghế đẩu. Vậy năm nay thằng Ut lại về sớm như năm rồi, như vậy bà sẽ đỡ buồn hơn.


- Má, con mới về, má khoẻ hả má – Thằng Ut không đợi má nó trả lời, nó lên tiếng trách bà Sáu – Trời ơi, sao má không chờ con về lải lá mai cho. Má yếu như vậy lỡ có bề gì ….
Nó khệ nệ ôm một túi to vào nhà, lấy trái cây và bánh ra đặt trên bàn thờ rồi đốt nhang cho ba. Bà Sáu đi theo sau hỏi nó:


- Năm nay con nghỉ sớm hả Ut?
- Dạ – Nó vừa chấp tay xá trên bàn thờ vừa nói – Nhưng chiều nay con trở lên lại để làm thêm tới qua Tết lận má.


- Vậy là Tết con hông về hả? – Bà Sáu cảm thấy hụt hẫng sau câu nói của thằng Ut.
- Dạ không má. Lát nữa má để con lải lá mai cho, rồi con sẽ chùi mấy cái lư hương luôn.
Rồi nó nhìn sang cái túi to đùng để trên bộ ván gõ:


- À má ơi, anh Hai và chị Ba Tết này chắc cũng không về kịp, anh Hai mắc trực trong bệnh viện đến mùng 6 mới xong, còn chị Ba thì về Vĩnh Long, sau đó xuống Cà Mau để quan hệ mối làm ăn mới gì đó chắc cũng không qua đây kịp.


Bà Sáu ngồi phịch xuống ghế, lòng bà đau như cắt mà không thể nào khóc được. Không lẻ mấy đứa con lại giận bà vì chuyện ba tụi nó mất đến thế sao? Trong khi đó, thằng Ut vừa xách cái túi lại ghế bàn tròn nơi bà Sáu ngồi vừa nói:


- Vì vậy tụi con có hẹn nhau chắc khoảng cuối tháng Giêng sẽ dẫn mấy cháu về thăm má. Anh chị có gởi bánh mứt cho Má nè.


Bà Sáu chẳng thiết nhìn mấy thứ thằng Ut bày ra trước mặt, nó còn nói gì đó, hình như qua Tết nó ra ở riêng cho nên nhân dịp này nó ở lại làm thêm để có tiền trang trãi. Bà Sáu cảm thấy người xây xẩm. Lại tuột huyết áp, cái bịnh mới phát sinh từ hồi ông Sáu qua đời đến nay mà bà giấu mấy đứa con không cho tụi nó biết vì sợ tụi nó lo lắng. Bà giả bộ cười để lấy lại cân bằng. Thằng Ut bày biện xong cũng để y như vậy để xuống nhà dưới lục cơm nguội. Nó cởi trần và bới một tô đầy cơm lúi húi ăn, bà Sáu thường ngày hay nấu một lần ăn cho cả buổi chiều. Vừa ăn thằng Út vừa hỏi huyên thuyên. Bà Sáu định thần lại và chậm rãi nói với nó:


- Mua bánh mứt làm gì cho tốn kém, má có làm sẵn mấy món đang phơi ngoài kia kìa, có món mứt bí mà con thích nữa đó.


- Vậy hả má? – Thằng Ut hỏi trổng không rồi đi ào ra ngoài sân nghe điện thoại di động.
Khoảng 5 giờ chiều, sau khi ăn bữa cơm với món gà luộc chấm muối tiêu chanh – món ăn mà thằng Ut khoái khẩu - nó chuẩn bị lên thành phố. Lúc nãy nó cười và nói đùa là hai má con nó đang ăn Tết sớm vì Tết năm nay không có ai về. Bà Sáu nhai cơm mà nghe miệng mình đắng ngắt.

Thằng Út đã chùi xong bộ lư hương và quét dọn mạng nhện ở trần nhà. Nguyên hàng mai cũng được nó lải sạch lá, lúc này bà Sáu mới nhận ra những cây mai đã nở hoa gần như quá nửa. Thằng Ut lúc lải lá cứ thắc mắc hoài không hiểu tại sao, nhưng nó cũng cằn nhằn vì phải cẩn thận tránh những bông hoa dễ rụng làm nó mất thời gian.


Thằng Ut từ chối mang theo những quả bưởi sắp chín mà bà Sáu để dành Tết về cho mấy đứa con cháu ăn, nó không lấy luôn những món mứt bà làm sẳn mà năm nào nó ưa thích. Túi quà Tết thằng Út mang về bà cũng xớt lại một ít để cúng, phần còn lại lén treo ở móc xe của nó. Nhưng thằng Ut đã phát hiện ra và cằn nhằn dúi lại vào tay bà. “Anh chị chửi con chết”. Nó nói như vậy trứơc khi thưa bà, dặn bà giữ gìn sức khoẻ và đề máy chiếc xe.


Bà Sáu dặn nó chạy xe cẩn thận, khi nào tới nơi gọi về báo cho bà biết. Rồi bà tựa lưng vào gốc mai nhìn theo dáng thằng Ut xa dần. Tay bà cầm chiếc túi bánh Tết của thằng Hai và con Ba gởi về, phía trên bà là những bông hoa của cây mai cổ thụ – những bông hoa hình như biết năm nay bà ăn Tết sớm hơn mọi năm – nên đã nở xoè những chiếc cánh vàng rực cả một khoảng sân.


Nguyễn Văn Tâm A
Tp HCM, ngày 24/11/2006

No comments: